Doanh nghiệp về làng
Công nghiệp - Ngày đăng : 09:05, 03/09/2012
Việc đưa doanh nghiệp về nông thôn có nhiều lợi thế. Nguồn nhân lực ổn định giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh...
Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát, xã Hưng Thịnh (Bình Giang) tạo việc làm cho hơn 100 lao động
địa phương với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng
Ông Trần Văn Y, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Điền cho biết: "Xã Lương Điền hiện có hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có hơn 70% cơ sở chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương và các xã lân cận.
Giải thích tại sao lại quyết định đầu tư, phát triển doanh nghiệp ở nông thôn, anh Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát, xã Hưng Thịnh (Bình Giang) cho biết: "Việc đưa doanh nghiệp về nông thôn có nhiều lợi thế. Nguồn nhân lực ổn định giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Việc thuê mặt bằng cũng có nhiều thuận lợi, giá rẻ".
Với mỗi người dân, được làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất ở gần nhà không chỉ còn là niềm mơ ước mà đã trở thành hiện thực. Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty May SSV (xã Hoàng Diệu, Gia Lộc), cho biết: "Hai năm trước, tôi cùng chồng lên khu công nghiệp Sài Đồng A ở Gia Lâm làm công nhân cho Công ty TNHH Hitech. Mặc dù cả hai vợ chồng mỗi tháng cũng thu nhập hơn 8 triệu đồng nhưng số tiền tích lũy được chẳng đáng là bao do chi phí sinh hoạt hằng ngày tại Hà Nội đắt đỏ. Hiện nay, hai vợ chồng tôi chỉ mất 10 phút để đến công ty, các khoản chi phí bớt tốn kém nên mỗi tháng cũng dành dụm được 3-4 triệu đồng".
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn chiếm tới gần 70%. Điều đó cho thấy việc các doanh nghiệp về làng có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân ở các vùng nông thôn. Tại nhiều làng quê không chỉ xuất hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ mà đã thu hút được các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Đồng Tâm, Công ty CP Tập đoàn phát triển Đoàn Minh Công (ở các xã Kỳ Sơn, Ngọc Sơn, Tứ Kỳ); Công ty TNHH Haivina, SSV (ở các xã Hoàng Diệu, Gia Tân, Gia Lộc); nhà máy của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (ở xã Nghĩa An, Ninh Giang)...
Theo ông Hoàng Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có gần 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các vùng nông thôn với các ngành nghề chủ yếu như: may mặc, chế biến nông sản, chế biến nhựa, sản xuất đồ gỗ và cơ khí... Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 20-30 nghìn lao động với mức thu nhập từ 2-5 triệu đồng/người/tháng. Việc các doanh nghiệp về nông thôn sẽ giúp các địa phương thực hiện được nhiều tiêu chí trong quá xây dựng nông thôn mới. Ngày 21-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công với mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn; tạo việc làm, tăng thu nhập; thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các doanh nghiệp ở nông thôn sẽ có nhiều cơ hội được đầu tư, khuyến khích thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trung tâm Khuyến công và tư vấn công nghiệp cũng vừa trình UBND tỉnh 6 đề án phát triển công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh. Khi được phê duyệt, các đề án này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, tỉnh cần có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về hạ tầng kỹ thuật, rèn luyện tác phong công nghiệp cho nông dân. Doanh nghiệp cần bảo đảm các yêu cầu về môi trường, chính sách xã hội cho người lao động… Có như vậy, doanh nghiệp mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
HẢI MINH