Đi viết báo "bắt" được thơ
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:47, 09/09/2012
Bài thơ Núi Đôi là thi phẩm nổi tiếng, một trong những bài thơ hay giai đoạn kháng chiến chống Pháp và cũng là bài thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Vũ Cao. Vì thế, đã có nhiều lần người ta gọi Vũ Cao là "ông Núi Đôi". Nhà thơ từng nói về mối quan hệ giữa báo chí và thơ ca như sau: "Nhờ đi làm báo mà tôi mới có được những bài thơ. Có những lúc cái tâm hồn thơ trong con người báo chí của mình bừng lên thảng thốt, dào dạt. Thế là cái chất liệu tưởng như khô khan của báo bỗng hóa thành chất liệu thơ". Quả đúng như vậy, bài thơ Núi Đôi đã ra đời trong một lần nhà thơ đi viết… báo.
Đó là thời kỳ Vũ Cao đang là phóng viên mặt trận của báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân). Một lần ông nhận nhiệm vụ đi lấy tư liệu viết báo về phong trào du kích chống Pháp của vùng trung du Vĩnh - Phú. Nhà thơ Vũ Cao đã sống và chiến đấu với nhân dân xã Phù Linh cả thời gian dài. Ông được nghe câu chuyện từ người dân Phù Linh về tấm gương cô gái 20 tuổi đã hy sinh anh dũng ở Núi Đôi để bảo vệ đoàn cán bộ. Người con gái ấy là Trần Thị Bắc - một nữ du kích quê ở xóm Chùa, thôn Xuân Đoài (Xuân Dục - Đoài Đông), xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Trần Thị Bắc hy sinh ngày 21-3-1954 khi lọt vào ổ phục kích của địch. Một đêm, bên ngọn đèn dầu, Vũ Cao nung nấu ý tưởng bài báo về tấm gương chiến đấu và hy sinh oanh liệt của nữ du kích Trần Thị Bắc. Nhưng khi đặt bút viết báo, nguồn cảm xúc lại tuôn chảy thành bài thơ tự sự trữ tình:
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi
Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi
Các địa danh và nhân vật trong bài thơ hoàn toàn có thật, không hư cấu. Bài thơ để lại trong lòng người đọc một hình ảnh đẹp thanh khiết về người con gái cách mạng như một cánh hoa thơm ngát bốn mùa.
TRẦN VĂN LỢI