Nghề làm chổi chít Mật Sơn phát triển

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:03, 10/09/2012

Sau khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề (năm 2007) đến nay, nghề làm chổi chít ở Mật Sơn ngày càng phát triển...



Cơ sở sản xuất chổi chít của gia đình ông Nguyễn Văn Quyết tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động

Những năm trước đây, người dân chủ yếu quen dùng chổi rơm, còn chổi chít rất kén khách hàng nên làng nghề chổi chít Mật Sơn, phường Chí Minh (Chí Linh) chỉ hoạt động cầm chừng, số gia đình và số lao động làm nghề ít, thu nhập không cao. Những năm gần đây, cùng với việc đời sống được nâng lên, chổi chít đã được nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị công sở sử dụng nên làng nghề đã có điều kiện phát triển. Đặc biệt, sau khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề (năm 2007) đến nay, nghề làm chổi chít ở Mật Sơn càng phát triển mạnh.

Làng Mật Sơn hiện có 257 hộ với 500 lao động làm chổi chít (chiếm gần 40% số hộ và số lao động của làng). Hộ ít 2-3 người, hộ nhiều có đến hàng chục lao động. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất chổi chít của gia đình ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ nhiệm Làng nghề. Cơ sở của ông Quyết tạo việc cho hơn 20 lao động. Mỗi lao động làm một công đoạn sản phẩm: người tách chít, người bện chổi, người hoàn thiện sản phẩm... Ông Quyết cho biết: "Nghề này phù hợp với nhiều lứa tuổi, đàn ông hay đàn bà cũng đều làm được và thu nhập cũng tương đối khá. Mỗi lao động ở cơ sở của tôi thu nhập từ 1,5-4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm tôi sử dụng hơn 20 tấn chít nguyên liệu và bán ra hàng chục nghìn sản phẩm".

Cơ sở sản xuất của gia đình ông Ngô Văn Thiệm cũng tạo việc làm cho hơn chục lao động. Ông Thiệm cho biết: "Đặc thù của nghề này là hình thức lao động thủ công, tỉ mỉ nhưng nhẹ nhàng, không nặng nhọc, vất vả và có thể tranh thủ thời gian. Lao động ngoài đến làm việc tại nhà tôi còn nhận nguyên liệu về làm. Qua hơn 20 năm làm nghề, tôi thấy nghề này vừa giúp phát triển kinh tế gia đình vừa có thể tạo việc làm cho nhiều lao động". Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Thiện thu lãi hơn 100 triệu đồng từ làm chổi chít.

Ngoài gia đình ông Quyết, ông Thiệm, trong làng còn có nhiều cơ sở sản xuất chổi chít với quy mô lớn, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động như cơ sở sản xuất của chị Phạm Thị Diễn vừa sản xuất, vừa bao tiêu sản phẩm cho làng nghề, có 10 - 15 lao động. Các ông Hoàng Văn Sa, Phạm Văn Đạo, Vũ Văn Năm, Vũ Văn Hành, mỗi gia đình tạo việc làm cho 10-25 lao động...

Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ nhiệm Làng nghề sản xuất chổi chít Mật Sơn cho biết: Ngay sau khi được tỉnh công nhận làng nghề, làng đã thành lập Ban chủ nhiệm và 3 tổ chuyên môn nhằm giúp cho làng phát triển đúng hướng, bền vững. Tổ nghiên cứu thị trường có nhiệm vụ khảo sát, nắm bắt, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, tổ cung ứng vật tư, vật liệu có nhiệm vụ lo nguyên liệu đầu vào cho các thành viên làng nghề. Tổ lao động trực tiếp được phân về các gia đình trong khu dân cư. Chính nhờ có hệ thống tổ chức chặt chẽ nên làng nghề hoạt động nhịp nhàng, gắn kết các hộ. Số hộ, số lao động làm nghề ngày càng tăng, hiện nhiều gấp 5 lần thời điểm trước năm 2007. Mỗi năm, làng nghề bán ra thị trường từ 800-900 nghìn sản phẩm, tổng doanh thu đạt 20-22 tỷ đồng. Chổi chít của làng Mật Sơn được thị ưa chuộng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Các gia đình đều sống được bằng nghề.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Chí Minh cho biết: Để ổn định làng nghề và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, trong thời gian tới, Hội Nông dân phường đang có ý định thành lập câu lạc bộ làng nghề; xin hỗ trợ đầu tư nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, ngân hàng, các tổ chức tín dụng để cho các hộ vay vốn sản xuất. Chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục mở rộng quy mô làng nghề...

VIỆT CƯỜNG