Khó xảy ra xung đột trên biển Hoa Đông

Bình luận - Ngày đăng : 06:00, 16/09/2012

Xét trên một loạt lợi ích cả về kinh tế và chính trị, chắc chắn 2 nước sẽ không muốn đẩy mọi việc đi quá xa...

Tàu hải giám Trung Quốc ở trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 14/9.


Tàu hải giám Trung Quốc ở trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 14-9


Căng thẳng giữa 2 cường quốc hàng đầu châu Á đang bùng lên dữ dội sau khi Chính phủ Nhật Bản tuần này đã quyết định mua lại quần đảo tranh chấp Senkaku (Xen-ca-cu/Điếu Ngư) từ tay những người chủ sở hữu tư nhân.

Phản ứng trước động thái của Nhật Bản, Trung Quốc ngày 14-9 đã phái 6 tàu giám sát của nước này tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp. Tại đây, tàu thuyền của 2 nước đã có cuộc chạm trán căng thẳng. Trong khi dò xét thái độ của nhau và cả “gầm gừ” với nhau, tàu thuyền 2 bên còn tung ra những lời cảnh báo, đe dọa lẫn nhau. Điều này làm tăng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột trên biển giữa quân đội Trung Quốc với Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Toan tính chính trị…

Tuy nhiên, có vẻ như một phần động cơ của việc cả Tokyo (Tô-ky-ô) và Bắc Kinh đẩy căng thẳng lên cao là để xử lý các mâu thuẫn trong nội bộ. Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư phần nào đã kích thích tinh thần dân tộc và chuyển hướng sự quan tâm của dư luận khỏi các căng thẳng chính trị và xã hội trong nước.

Tại Nhật Bản, mâu thuẫn giữa các chính đảng tại Quốc hội, sự phản đối của người dân đối với một số kế hoạch kinh tế và quân sự của Chính phủ dường như đang được thu hẹp khi dư luận Nhật Bản tỏ ra đồng tình với quyết định của Chính phủ tìm cách củng cố chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư.

Tại Trung Quốc, những vụ bê bối chính trị xảy ra trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm giảm sút uy tín của Chính phủ, vì vậy việc tỏ rõ thái độ “quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc” sẽ giúp gia tăng sự ủng hộ của người dân dành cho Chính phủ. Bắc Kinh cần phải hành động một cách hài hòa, không quá mạnh mẽ nhưng cũng không quá mềm mỏng. Trong bối cảnh người dân trong nước đang phẫn nộ với quyết định của phía Nhật Bản, Trung Quốc cần có lập trường cứng rắn đối với nước này. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phản ứng quá mạnh có thể sẽ kích động thái quá các cuộc biểu tình chống Nhật Bản và đến thời điểm nào đó, có thể sẽ gây bất ổn chính trị trong nước.

Mỗi Đại hội Đảng là một dịp để giới lãnh đạo khích lệ tinh thần yêu nước và lòng trung thành của người dân. Xét trên nhiều góc độ, đó có thể là lý do dẫn tới những lời lẽ cứng rắn của Bắc Kinh chứ không phải là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh hay đụng độ quân sự sắp xảy ra.

…và kinh tế

Không chỉ có chính trị, sự ràng buộc chặt chẽ về kinh tế giữa 2 cường quốc cũng là nguyên nhân lớn buộc cả 2 bên phải cầm chừng các hành động mạnh tay. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Khương Tăng Vĩ cảnh báo, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể tác động xấu đến 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Theo số liệu của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của nước này. Năm ngoái, lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm tới 20,6% tổng lượng hàng xuất khẩu của Tokyo, tăng gần gấp 3 lần so với cách đây 10 năm. Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của ngành xe hơi và đồ điện tử Nhật Bản. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc cho biết, sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch mua lại quần đảo tranh chấp, doanh số bán xe ô-tô của Nhật Bản sang thị trường Trung Quốc đã sụt giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc chiến kinh tế với Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản là các nhà đầu tư lớn ở Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh thể hiện lập trường cứng rắn sẽ làm nản lòng các công ty của Nhật Bản và họ sẽ không tiếp tục đầu tư nữa. Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng nóng. Những vấn đề kinh tế tài chính của một quốc gia phát triển như bong bóng phình to đã manh nha phát tác. Rõ ràng Bắc Kinh phải tính đến điều này. Vì vậy, từ nay đến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, giới chức Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa.

Bắc Kinh đang bắn đi các tín hiệu cảnh báo về khả năng tiến hành các đòn đáp trả mạnh hơn đối với Nhật Bản, song nói cứng là một lẽ, còn thực tâm Bắc Kinh không hề muốn gây chiến trong lúc này. Xét trên một loạt lợi ích cả về kinh tế và chính trị, chắc chắn 2 nước sẽ không muốn đẩy mọi việc đi quá xa. Nói cách khác, nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự mới ở biển Hoa Đông vẫn còn rất xa vời.

CẨM THI(Dân trí)