Khi học sinh bị cha mẹ "quản thúc"

Đời sống - Ngày đăng : 08:37, 19/09/2012

Sự quan tâm, chăm sóc một cách thái quá trong cách nuôi dạy trẻ đã vô tình làm mất đi những kỹ năng sống cơ bản ở trẻ, hoặc biến trẻ thành người nói dối.



Nhảy híp-hốp là cách giải trí được nhiều bạn trẻ lựa chọn nhưng không ít bậc cha mẹ lại ngăn cản
Ảnh: Danh Trung


Gia đình chị Nguyễn Thị H. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) chỉ có 1 cô con gái nên mọi sự quan tâm, yêu thương của cả gia đình đều dồn cho con. Trong suốt 3 năm học THPT, N. - con gái chị H. luôn được mẹ quan tâm chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, đón đưa đi học. Con chơi với ai, đi đâu, “nhất cử nhất động” chị H. đều nắm được. Ngoài đi học chẳng mấy khi hàng xóm thấy N. ra ngoài vui chơi, trò chuyện với mọi người. Mọi việc nhà N. không phải làm vì đã có mẹ hỗ trợ: từ giặt quần áo, quét dọn nhà cửa, nấu ăn… Kỳ thi đại học của N. vừa qua, từ việc chọn trường, làm hồ sơ đều do chị H. quyết định. Khi ngồi trong phòng thi giữa các thí sinh khác, N. bắt đầu mất bình tĩnh, không tự tin vào bản thân. Em run đến mức không nhớ nổi địa chỉ của gia đình để viết vào tờ giấy thi chứ chưa nói tới kiến thức em đã được học. Do quá căng thẳng, N. bị co thắt dạ dày, đau bụng nên ảnh hưởng tới bài thi… Vì vậy, kết quả thi đại học của N. thấp hơn nhiều so với học lực của em.

Em Nguyễn M.A, Trường THCS Bình Hàn (TP Hải Dương), năm nay đã 15 tuổi nhưng không được tự quyết định những việc từ đơn giản nhất, mà luôn phải theo sự sắp xếp của bố mẹ. M.A cho biết: “Nhiều lúc các bạn thân trong nhóm của em tổ chức đi dã ngoại, em muốn đi chơi cùng các bạn nên xin phép bố mẹ, nhưng bố mẹ lại mắng và không cho đi. Sau vài lần xin phép không được đi chơi, nên em đã nói dối đi học nhóm, đi học thêm nhà cô để được đi chơi với các bạn”.

Như trường hợp của Hùng, học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Hải Dương), với cá tính mạnh mẽ, rất thích nhảy híp-hốp, nên các buổi chiều Hùng thường cùng các bạn tham gia luyện tập. Nhưng khi biết chuyện, cha mẹ đã cấm không cho Hùng được theo đuổi sở thích đó nữa. Hùng tâm sự: “Ngoài giờ học em muốn được nhảy híp-hốp, cũng là một cách giải trí lành mạnh, nhưng bố mẹ em không đồng ý vì nhảy như thế nguy hiểm và ăn mặc không giống ai”.

Theo chị Hoàng Thị T. ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), cha mẹ nào cũng muốn điều tốt nhất cho con mình. Trong khi xã hội ngày càng nhiều những cám dỗ, nếu không quản lý con thật chặt thì chúng rất dễ hư hỏng, chơi bời theo đám bạn xấu. Không chỉ làm mất quyền tự do về nhu cầu vui chơi, giải trí, nhiều bạn trẻ còn bị cha mẹ quản thúc cả sở thích và việc kết bạn.

Theo bà Nguyễn Hà Phương, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, cách giáo dục, nuôi dạy con cái ở các gia đình hình thành theo 3 thái cực: quá quan tâm, quá nghiêm khắc hoặc quá thờ ơ. Nhiều gia đình quan tâm tới con một cách quá mức, nên khi đối mặt với khó khăn, các em sẽ không tự mình vượt qua được hoặc sống ỷ lại vào người khác. Nhiều bậc cha mẹ vì thương con nên luôn nhận làm hết các phần công việc của con nên dẫn tới tình trạng dù học lớp 4-5 nhưng cha mẹ vẫn phải đút cơm cho ăn, hay con học cấp 2 vẫn không biết sắp xếp quần áo, sách vở tới trường… Sự quan tâm thái quá đó cũng dễ khiến các em cảm thấy bị bó buộc, không có tự do trong chính ngôi nhà của mình. Nhiều em khi thoát khỏi vòng tay của cha mẹ đi học đại học sẽ như chim sổ lồng, không có người giám sát, các em sẽ rất dễ sa ngã, mải chơi dẫn tới hậu quả khôn lường.

Cũng theo bà Phương, để giáo dục trẻ đúng cách, trước hết gia đình phải phát huy tốt chức năng giáo dục của mình, quan tâm phù hợp tới xu hướng phát triển của trẻ, giáo dục cho trẻ kỹ năng sống cơ bản nhất, giúp trẻ có thể biểu đạt cảm xúc. Cha mẹ phải là những người bạn lớn của con. Ở mỗi giai đoạn, lứa tuổi, trẻ sẽ có tâm lý khác nhau, chính vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên lắng nghe, tâm sự, trao đổi cùng con, tư vấn cho con những việc làm đúng, sai để tự trẻ nhận biết. Mặt khác, các phụ huynh hãy để trẻ được bộc lộ khả năng của mình, không nên quá bao bọc trẻ để trẻ bị “miễn dịch” với cuộc sống. Với các bạn tuổi "teen", muốn để cha mẹ hiểu mình, các em cũng nên thường xuyên tâm sự, chia sẻ với bố mẹ. Các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn, Đội, Hội có thể tổ chức nhiều lớp học kỹ năng sống cho các bạn trẻ nhằm trang bị những kỹ năng sống cơ bản, giúp các em có thêm tự tin đối mặt với những khó khăn để bước tới thành công.

THANH HOA