Một số hạn chế cần khắc phục
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 08:02, 26/09/2012
Đến chiều 24-9, vẫn còn tình trạng hàng quán bày bán không đúng nơi quy định. Trước cổng đền, xe ôm tập trung khá đông, mời chào khách có lúc thái quá...
Hộ kinh doanh dịch vụ tại khu di tích Kiếp Bạc ký cam kết thực hiện các quy định của Ban Tổ chức lễ hội. Ảnh: NgọcHùng
Tại khu vực Côn Sơn, hiện nay có hơn 100 hộ kinh doanh các dịch vụ ăn uống, chụp ảnh, viết sớ… Ngoài ra còn một lực lượng đông đảo người bán hàng rong trong khu vực di tích. Ông Nguyễn Văn Thập, Phó Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị các hộ kinh doanh dịch vụ trong khu di tích để tuyên truyền, quán triệt và yêu cầu các hộ ký cam kết về văn hoá bán hàng, không để xảy ra tình trạng chèo kéo, tăng giá các mặt hàng, gây ấn tượng không tốt với du khách”. Để đường đi thông thoáng, dịch vụ hàng quán đi vào quy củ, UBND phường Cộng Hoà đã đầu tư sửa chữa lại các gian hàng, yêu cầu các hộ kinh doanh tháo các mái che, mái vẩy lấn chiếm vào lòng đường. Đối với những hộ làm dịch vụ chụp ảnh, phường đã yêu cầu phải treo bảng niêm yết giá. Năm nay, UBND phường không tổ chức đấu thầu các bãi giữ xe mà trực tiếp đứng ra quản lý và điều hành hoạt động để tạo nguồn thu, đồng thời bảo đảm tối đa tài sản cho khách tham quan. Trong những ngày chính hội, đông du khách, UBND sẽ tăng cường cán bộ phường và lực lượng dân quân trực tiếp trông giữ xe nên sẽ không có tình trạng tự ý tăng giá vé. Du khách nên gửi xe đúng địa điểm mà Ban tổ chức quy định để tránh bị ép giá.
Tại khu di tích Kiếp Bạc, từ ngày 16-9, UBND xã Hưng Đạo đã bố trí lực lượng công an trực để giám sát, chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự và hoạt động kinh doanh trong khu di tích. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Phó Trưởng ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội năm nay phấn đấu bảo đảm "3 không", đó là: không hàng quán trong khu vực nội tự đền, chùa, không hành khất và không ăn cắp, ăn trộm. Các đơn vị, cá nhân kinh doanh khách sạn, nhà hàng quanh khu vực đã ký cam kết không tăng giá bất thường, quan tâm thu xếp chỗ ăn, nghỉ phục vụ du khách trước, trong những ngày diễn ra lễ hội. Anh Phan Văn Dũng, một du khách đến từ quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Sinh ra và lớn lên tại Hải Dương nên năm nào gia đình tôi cũng về tham dự Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc. Năm nay, hàng quán đã được bố trí quy củ, ngăn nắp hơn mọi năm rất nhiều, tình trạng chèo kéo, chặt chém khách du lịch cũng không thấy có".
Một trong những việc đáng quan tâm trong những ngày diễn ra lễ hội là vấn đề bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trong 2 ngày 24 và 26-9, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn về ATVSTP cho hơn 200 hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng ăn uống trên địa bàn xã Hưng Đạo và phường Cộng Hòa. Đơn vị cũng đã phối hợp với các địa phương thành lập đoàn kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chất lượng ATVSTP, các dịch vụ trong những ngày diễn ra lễ hội.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo quan sát của chúng tôi hoạt động dịch vụ tại lễ hội vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Chiều 24-9, có mặt tại khu vực đền Kiếp Bạc, chúng tôi thấy vẫn còn tình trạng hàng quán bày bán không đúng nơi quy định, kéo dài từ bãi để xe số 2 tới khu vực cổng đền. Trước cổng đền, những người hành nghề xe ôm vẫn tập trung khá đông, mời chào khách du lịch có lúc thái quá. Qua làm việc với chính quyền địa phương, chúng tôi được biết, việc quản lý, giám sát hoạt động xe ôm, bán hàng rong cũng rất khó khăn, bởi bên cạnh các hộ người địa phương thì cũng có bộ phận người dân từ các tỉnh khác tranh thủ dịp lễ hội đổ về đây mưu sinh. Tình trạng xe ôm chở 2 người, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vẫn còn.
Để hướng tới một kỳ lễ hội ý nghĩa và thành công để lại ấn tượng đẹp đối với du khách, Ban Tổ chức lễ hội cần chỉ đạo khẩn trương, khắc phục những hạn chế nêu trên. Mỗi người dân cũng cần tự giác chấp hành nghiêm các quy định.
HOÀNG BIÊN