Nâng cao chất lượng điện nông thôn

Công nghiệp - Ngày đăng : 20:46, 27/09/2012

Những nơi do ngành điện quản lý chất lượng đã được cải thiện còn những nơi do các HTX, doanh nghiệp điện quản lý thì khó khăn chồng chất...



Trạm biến áp của Công ty TNHH một thành viên Phúc Thiện xây dựng từ đầu năm 2012
 nhưng vẫn chưa được phép đấu nối


Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương có cả hệ thống quản lý hùng hậu, lại có nguồn tài chính lớn, quản lý cả trung áp và hạ áp nên có điều kiện nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Còn ở những nơi lưới điện do các HTX, doanh nghiệp điện quản lý thì khó khăn chồng chất.

Bán điện trực tiếp: Chất lượng điện được cải thiện

Đến 15-9-2012, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện đến tận hộ dân ở 190 xã trong tổng số 234 xã (một số xã đã chuyển thành phường). Ngay sau khi tiếp nhận, công ty đã lập các dự án nhỏ ở các xã có đủ điều kiện đầu tư, từng bước xây dựng thêm các trạm biến áp (TBA), cải tạo lưới điện hạ thế và thay thế công-tơ nên chất lượng điện được cải thiện rõ rệt.

Đặc biệt ở thị xã Chí Linh, nơi có nhiều xã vùng núi, bán kính cấp điện rộng, nhưng ngành điện đã tiếp nhận lưới điện ở 100% các xã, phường. Ngành điện phân kỳ đầu tư từng giai đoạn, sử dụng một số TBA loại nhỏ, cấp điện cho các xóm lẻ. Chí Linh đã hoàn thiện việc nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện nông thôn giai đoạn 1 ở các xã: Bắc An, Lê Lợi, Hưng Đạo, Văn Đức. Ở các xã còn lại, ngành điện đã lập dự án, đang và sẽ cải tạo, xây dựng mới trong năm 2012 và 2013. Thị xã đã xây dựng, lắp đặt mới 17 TBA, đang tiếp tục thi công 8 TBA khác, tổng kinh phí đã đầu tư trên 60 tỷ đồng.

Đến nay, dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn giai đoạn 1 cho 109 xã đã thực hiện xong ở 76 xã, 33 xã còn lại triển khai trong năm 2012 và 2013. Trong giai đoạn 2, đã lập 5 dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thông cho 42 xã thuộc các huyện: Gia Lộc, Tứ Kỳ, Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà và thị xã Chí Linh.

Qua theo dõi tình hình vận hành lưới điện hạ áp nông thôn tại các xã đã được ngành điện tiếp nhận, chất lượng điện được cải thiện rõ rệt. Tổn thất điện năng tại các xã khi mới tiếp nhận đều ở mức bình quân 22 đến 23%, đến đầu năm 2012 giảm còn hơn 15%. Đối với các khu vực đã cải tạo lưới điện tương đối hoàn chỉnh thì mức tổn thất điện năng chỉ 12 - 13%.

Do chất lượng điện được cải thiện, nông dân mua sắm thêm các đồ dùng nên điện năng sử dụng tại các địa phương đều tăng cao, nhất là vào thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng. Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cho biết, đến nay, trên 80% số hộ dân nông thôn đã được hưởng quyền lợi của người mua điện theo quy định của Luật Điện lực và mua điện với giá quy định của Chính phủ, không phải bỏ kinh phí đầu tư xây dựng lưới điện, mua sắm công-tơ. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của chính quyền và người dân nông thôn. Chất lượng điện năng ở nông thôn đã được nâng lên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người nông dân.

Tuy nhiên, ở một số khu vực mới tiếp nhận lưới điện chưa được cải tạo nên chất lượng điện chưa đạt tiêu chuẩn, dịch vụ khách hàng còn chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng điện. Tài sản lưới điện không còn hoặc không có hoặc có không đầy đủ hồ sơ nên việc xác định nguồn vốn đầu tư, giá trị tài sản hoàn trả gặp khó khăn, làm kéo dài thời gian lập hồ sơ, thủ tục giao nhận…

Chưa bàn giao: Điện còn phập phù


Trên địa bàn tỉnh hiện còn 44 xã có lưới điện thuộc sự quản lý của các HTX dịch vụ điện hoặc doanh nghiệp tư nhân kinh doanh điện. Trong quá trình quản lý và vận hành lưới điện, nhiều HTX dịch vụ điện hoặc các công ty bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế như: nguồn kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị thô sơ, khó bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng ở khu vực nông thôn, phạm vi bán điện cũng khó được mở rộng... Một số địa phương, nhất là những địa phương có ít TBA hoặc các TBA đã cũ, chất lượng điện ở cuối nguồn còn yếu. Hiện tượng cắt điện luân phiên vẫn xảy ra, nhất là vào những giờ cao điểm, gây tâm lý bất bình trong nhân dân.

Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc mang tính khách quan ảnh hưởng nhiều đến những nỗ lực nâng cao chất lượng lưới điện của các HTX dịch vụ điện hoặc công ty TNHH. Ông Đào Ngọc Bình, Giám đốc Công ty TNHH An Tiến (xã An Châu, TP Hải Dương) cho biết, công ty nhận bàn giao lưới điện hạ áp của xã từ năm 2004 sau khi đã được các cơ quan chức năng của huyện và chính quyền địa phương phê duyệt. Ngay sau khi nhận bàn giao, công ty đã tập trung vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện, thay cột gỗ, cột sắt bằng cột bê-tông, thay dây dẫn cũ bằng dây cáp bọc, thay mới hòm hộp công-tơ, cấy thêm TBA... do vậy, chất lượng lưới điện được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Hiện tại, hệ thống lưới điện hạ áp do công ty quản lý có 3 TBA với dung lượng 180 KVA/trạm, trong đó trạm An Châu A và An Châu B được địa phương xây dựng từ năm 1990, đã bàn giao cho ngành điện từ năm 2000. Năm 2006, công ty đầu tư xây dựng thêm 1 TBA tại khu vực Bến Hàn có dung lượng 180 KVA góp phần tăng chất lượng lưới điện. Tuy nhiên, do mức tiêu thụ điện năng tại địa phương tăng trung bình từ 15 - 20%/năm, nên công suất của các TBA cũ không đáp ứng được. Vào giờ cao điểm, do lượng điện tiêu thụ mạnh nên các áp-tô-mát của các TBA "nhảy" liên tục, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt của người dân. Công ty An Tiến đã nhiều lần đề nghị Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đầu tư nâng công suất các TBA, nhưng không được chấp nhận với lý do không có kinh phí. Vì vậy, vào giờ cao điểm, công ty phải cử người trực ở các TBA để sẵn sàng đóng lại điện khi áp-tô-mát nhảy.

Công ty TNHH Điện Thái Tân, xã Thái Tân (Nam Sách) cũng không thể nâng cao chất lượng lưới điện do các TBA cũ không được đầu tư nâng công suất. Ông Đinh Ngọc Tạo, Giám đốc công ty cho biết, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp, công ty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng nâng cấp lưới điện. Tỷ lệ hao tổn điện năng giảm từ 28% xuống còn 16%, chất lượng điện được bảo đảm. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân ngày càng tăng, bán kính cấp điện xa (khoảng 2 km), các TBA đã xuống cấp nên hiện nay chất lượng điện không đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào những giờ cao điểm. Công ty nhiều lần đề nghị ngành điện đầu tư nâng công suất các TBA An Dật và Chu Đậu nhưng chưa được chấp thuận. Chất lượng điện không bảo đảm, người dân nhiều lần kiến nghị nhưng công ty cũng chưa biết làm cách nào khắc phục.

Thực tế ở xã An Châu (TP Hải Dương) và Thái Tân (Nam Sách) cũng tồn tại ở nhiều địa phương chưa bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý. Chưa có sự phối hợp thống nhất giữa Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương với các đơn vị kinh doanh điện ngoài ngành, khiến việc đầu tư nâng cấp chất lượng lưới điện gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, vận hành lưới điện của các HTX dịch vụ điện hoặc các công ty kinh doanh điện. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng ngành điện đang dùng lợi thế của mình để ép các đơn vị kinh doanh điện ở địa phương.

“Trong lúc nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, việc các HTX dịch vụ điện hoặc công ty đứng ra đầu tư, khai thác và quản lý lưới điện nông thôn là phù hợp. Với sự tham gia của các đơn vị này, lưới điện hạ áp sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ, chất lượng điện được nâng lên, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong quá trình hoạt động, các mô hình này nhận được sự ủng hộ của chính quyền và người dân địa phương, nên việc quản lý, khai thác có hiệu quả hơn, giảm bớt hiện tượng ăn cắp điện...”


Ông Lê Công Thuần, Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công thương)

VỊ THỦY - ANH TUẤN