Hàng hóa rục rịch tăng giá
Thị trường - Ngày đăng : 08:12, 28/09/2012
Trong khi nền kinh tế phục hồi còn yếu thì giá một số mặt hàng bất ngờ tăng mạnh làm cho đời sống nhân dân thêm chồng chất khó khăn...
Để tránh tình trạng "té nước theo mưa" tăng giá, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng
có các giải pháp bình ổn thị trường
Ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: "Theo quy luật, quý III và quý IV hằng năm giá nhiều loại hàng hóa thường tăng. Thời gian gần đây, do tác động của việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas, điện, nước... đã tạo áp lực dây chuyền để tăng giá nhiều loại hàng hóa khác. Dịch vụ y tế và thuốc là nhóm hàng hóa tăng cao nhất, tăng 156,16% do tỉnh ta điều chỉnh khung viện phí từ ngày 1-9. Nhóm giáo dục tăng là do các trường bắt đầu vào năm học mới, nhu cầu mua sắm thiết bị đồ dùng phục vụ học tập tăng cao. Thời điểm này rất cần sự điều chỉnh hợp lý từ các cơ quan có thẩm quyền để sớm ổn định thị trường, tạo sự yên tâm cho người dân".
Hàng loạt các mặt hàng thiết yếu tăng giá thời gian gần đây đã khiến người tiêu dùng (NTD) lo lắng. Chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Hậu Bổng, xã Quang Minh (Gia Lộc) cho biết: "Gần đây, nhiều loại hàng hóa tăng giá khiến đời sống nông dân thêm khó, lại phải "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu hằng ngày. Hơn nữa, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá giống cây vụ đông cũng tăng mạnh khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất”. Theo nhiều tiểu thương, các mặt hàng như dầu ăn, nước mắm, sữa, các loại đồ dùng dân dụng cũng đã tăng giá ít nhất 2% kể từ đầu tháng 9. Nắm bắt được quy luật tăng giá hằng năm, nhiều tiểu thương đã lên kế hoạch mua tích trữ hàng chuẩn bị đón đợt tăng giá mới. Chị Nguyễn Thị Hải, chủ cửa hàng tạp hóa Nam Hải ở thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc) cho biết: "Dự đoán từ nay đến cuối năm nhiều loại hàng hóa sẽ tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng như đường, sữa, bánh, kẹo, chè, thuốc lá, bia chai, bia lon nên đến nay cửa hàng đã nhập dự trữ hơn 2 tạ đường, gần 100 thùng bia...”
Không chỉ NTD, nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng trước nguy cơ hàng hóa tăng giá. Anh Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương cho biết: "Việc tăng giá xăng liên tiếp và nhiều loại hàng hóa khác sẽ khiến NTD thắt chặt chi tiêu, khách đi tắc-xi cũng sẽ giảm, ảnh hưởng tới kinh doanh của doanh nghiệp". Trong khi Chính phủ vừa nới lỏng chính sách tiền tệ và đưa ra nhiều gói cứu trợ doanh nghiệp thì việc tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu thời gian qua lại khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó khi hàng tồn kho và chi phí cho các dịch vụ phát sinh tăng cao... Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Siêu thị Big C Hải Dương khẳng định: "Mặc dù hiện nay siêu thị chưa nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp, nhưng do tác động của việc tăng giá xăng liên tiếp thời gian qua khiến chi phí đầu vào doanh nghiệp tăng lên".
Để bình ổn thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng "té nước theo mưa" tăng giá, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát, kiểm tra thị trường hàng hóa, đánh giá nhu cầu tiêu dùng để có chính sách điều chỉnh kịp thời. Hiện nay, số lượng các điểm bán hàng bình ổn giá của tỉnh còn quá ít so với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do đó, tỉnh ta cần triển khai tích cực hơn nữa chương trình bình ổn giá, nhất là việc đưa các chương trình bình ổn giá về các vùng nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn và cam kết bán hàng đúng giá. Tích cực thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng... Các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan và các địa phương chủ động theo dõi diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường, nhất là các mặt hàng như: thuốc chữa bệnh, sữa, cước vận tải ô-tô... Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý... Sở Công thương cũng cần chủ động phối hợp với Sở Tài chính thực hiện chương trình hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp các mặt hàng bình ổn. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
LAN ANH