Thi đua tránh “bàn giấy”, “công chức hóa”

Tin tức - Ngày đăng : 10:44, 01/10/2012

Công tác thi đua khen thưởng là một nội dung lớn được Bác Hồ đặc biệt quan tâm.

Ngày 1-10-1948, trong phiên họp Chính phủ, Bác nói: “Hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về việc thi đua... cho nên, trong vận động thi đua cần phải tránh xu hướng “bàn giấy”, “công chức hóa”… cần có sự thống nhất chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả rõ rệt”.

Sinh thời, Bác Hồ luôn tâm niệm: “Công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua”, bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà đều có thể và cần phải thi đua. 3 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 11-6-1948, Bác đã phát động phong trào thi đua ái quốc. Từ phong trào này đã xuất hiện những phong trào thi đua lớn thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân ta như: “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên Ba sẵn sàng”…

Người chỉ đạo nội dung thi đua phải “thiết thực, không nên chỉ có tính hình thức, có phát mà không động, càng không nên đầu voi đuôi chuột...”; “Cần có sự phối hợp thống nhất chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả rõ rệt”. Đồng thời, trong quá trình thi đua phải '”Gom góp sáng kiến kinh nghiệm, rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm. Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của cả dân tộc. Chúng ta phải làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi".

Tiếp thu những chỉ đạo sâu sát của Bác, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Nội dung và hình thức thi đua ngày càng thiết thực, cụ thể với từng đơn vị, từng địa phương trên các mặt: đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác và năng suất lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng… góp phần đem lại lợi ích thiết thực nhất cho mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội.  Những năm gần đây, nhiều phong trào thi đua yêu nước nổi bật đã được phát động đem lại diện mạo mới như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Học tập và làm theo sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”...

Thực tiễn 64 năm qua cho thấy, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế và đời sống xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thiết thực, ăn sâu, lan rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước hôm nay.

BẢO CHÂU (biên soạn)