Dùng người phải đúng chỗ, đúng việc
Tin tức - Ngày đăng : 10:25, 04/10/2012
Để chữa khuyết điểm, giúp đội ngũ cán bộ có đạo đức, tác phong, lề lối làm việc tốt, Người chỉ rõ: “... Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ...”.
Trong bài báo, Bác viết: “Chính quyền nhân dân thành lập đã được hơn một tháng. Nhưng nhiều nơi cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả. Ta có thể nói: một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các Ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức... Nhiều ông Chủ tịch Uỷ ban thường không nhận định những công việc chính của mình phải đem hết tâm lực vào đó, mà thường chỉ dùng thì giờ để xử những vụ kiện vớ vẩn, tiếp những ông khách vu vơ, hay cặm cụi viết thư, viết báo cáo - việc có thể giao cho người khác làm được. Trong một Ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính”.
Chính vì thế, Bác chỉ rõ: “Chia công việc không khéo thành ra bao biện: nhiều việc quá thì sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng. Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được”. Bác cũng thẳng thắn yêu cầu cán bộ cấp cơ sở: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng... có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”. Theo Bác, trong đội ngũ cán bộ chúng ta “không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay”; mỗi người đều có mặt mạnh, điểm yếu, sở trường, sở đoản. Vì thế, để cho công việc thành công cần phải “khéo dùng người’’.
Ngày nay, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, nhiều cán bộ có trình độ, phẩm chất, năng lực đã được làm việc tại các UBND. Tuy nhiên, có nơi, cán bộ cơ sở còn thiếu tính nhạy bén trong xử lý công việc, hiệu quả thực thi công vụ thấp. Tồn tại đó một phần là do sự bố trí, sử dụng cán bộ còn chưa hợp lý, chưa xác định đúng yêu cầu của công việc. Ngày nay, đọc lại những chỉ dẫn của Bác Hồ về xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ chính quyền cơ sở nói riêng, chúng ta càng thấm thía giá trị lý luận, thực tiễn của nó. Đó là “biết tuỳ tài mà dùng người”,“phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”.
QUANG MINH (biên soạn)