Chưa tương xứng tiềm năng

Du lịch - Ngày đăng : 08:18, 07/10/2012

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, các khu, điểm du lịch còn nhỏ lẻ, trùng lắp, thiếu tính liên kết cụm, vùng để tạo nên một sản phẩm, tuyến du lịch hoàn chỉnh...



Các doanh nghiệp lữ hành thăm một cơ sở sản xuất bánh gai ở Ninh Giang


Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề "Điểm đến du lịch Hải Dương". Trước đó, gần 50 công ty lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đã tham gia chương trình Famtrip du lịch Hải Dương (khảo sát thực địa các điểm du lịch).

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành đều có cảm nhận, Hải Dương là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa dày đặc, các làng nghề cổ truyền, các danh lam, thắng cảnh phong phú và nhiều vùng sinh thái độc đáo. Bánh đậu xanh, bánh gai, bún cá rô đồng, bánh cuốn… là những món ngon nổi tiếng của Hải Dương. Bên cạnh đó, người dân Hải Dương thân thiện, mến khách… Hải Dương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch làng quê...

Thời gian qua, tuy du lịch Hải Dương có sự phát triển, nhưng theo nhiều doanh nghiệp lữ hành thì vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế. Ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Trung tâm Lữ hành quốc tế và thương mại Tràng An cho biết, tại các điểm du lịch, việc khai thác, sử dụng tài nguyên, tài sản du lịch chưa mang lại hiệu quả cao. Các đơn vị được giao quản lý, khai thác các danh lam, thắng cảnh chủ yếu chỉ khai thác sản phẩm sẵn có của thiên nhiên, chưa quan tâm đến việc đầu tư nâng cấp, tôn tạo. Ông Cường cho rằng, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là điểm du lịch tâm linh lý tưởng nhưng chưa tạo được độ nhấn, cảm xúc, ấn tượng. Di tích chưa có nhà hàng tầm cỡ để khách tham quan xong có thể ăn nghỉ, lưu trú,  không có các dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn. Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội nhận xét: Đảo Cò là sản phẩm du lịch đặc sắc của Hải Dương nhưng chưa ấn tượng. Ngoài việc du khách ngồi thuyền đi xem cò, vạc thì không có dịch vụ, hoạt động nào khác. Cơ sở vật chất nghèo nàn, đơn điệu. Các thuyền chở du khách tham quan nhỏ, không bảo đảm an toàn, nhất là đối với người già. Người dân hiện sống quá gần khu bảo tồn, ảnh hưởng đến không gian, môi trường sinh sống của cò.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, các khu, điểm du lịch ở Hải Dương còn nhỏ lẻ, trùng lắp, thiếu tính liên kết cụm, vùng để tạo nên một sản phẩm, tuyến du lịch hoàn chỉnh. Môi trường du lịch chưa bảo đảm. Việc quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa chưa phù hợp với phát triển du lịch. Ở nhiều điểm ăn nghỉ, giá cả chưa phù hợp, dịch vụ vui chơi, giải trí còn đơn điệu, khó giữ chân du khách. Do đó, thời gian qua, nhiều công ty lữ hành muốn xây dựng, thành lập "tua", tuyến, điểm về Hải Dương nhưng đành hủy vì du khách không mặn mà.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm du lịch hiện có ở Hải Dương cần được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, hạ tầng, đưa thêm một số loại hình dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi, giải trí. Địa phương cần đầu tư xây dựng một số điểm, tuyến du lịch có chất lượng để tạo điểm nhấn và phát triển thêm một số điểm tham quan lân cận, gắn kết thành chùm tạo nên tính hấp dẫn, giữ chân khách. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) đề xuất: Hải Dương có thể tập trung đầu tư một điểm dừng chân có quy mô lớn, tạo điểm nhấn, ấn tượng mạnh làm tiền đề để khách lưu trú, sau đó sẽ phát triển thêm các loại hình dịch vụ khác. Hải Dương cần đẩy mạnh liên kết vùng về quản lý nhà nước và với các điểm du lịch của địa phương lân cận, tạo thành những "tua", tuyến riêng. Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, đột phá đối với ngành du lịch như: có thể cho doanh nghiệp đấu thầu, làm dự án đầu tư tại một số điểm. Đầu tư thỏa đáng cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cùng với đa dạng hóa sản phẩm du lịch...

PV