Làm hoa giả - nghề mới của phụ nữ Quang Trung

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:35, 15/10/2012

Đất canh tác bị thu hẹp, chị em phụ nữ xã Quang Trung (Kinh Môn) phải tìm thêm nghề phụ và nghề làm hoa giả đã đem lại thu nhập khá cho họ...


Nhiều hội viên phụ nữ có thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/tháng từ làm hoa giả

Quang Trung vốn là một xã thuần nông của huyện Kinh Môn. Ngoài cấy lúa, trồng hành, người dân nơi đây không có nghề phụ gì khác. Cuối năm 2011, khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương triển khai, rất nhiều gia đình mất đất canh tác, trong đó ở thôn Xạ Sơn, có 32 chị mất ruộng. Trước thực trạng đó, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ (HPN) xã đã cử người đến nhiều nơi tham khảo các mô hình làng nghề hoạt động hiệu quả. HPN thấy việc gấp hoa của phụ nữ xã Phúc Thành (Kim Thành) khá phù hợp. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề với lãnh đạo xã, có một số ý kiến không đồng tình, vì trước đây xã cũng đã đưa về mô hình làm chổi chít, mây tre đan xuất khẩu về nhưng đều thất bại. HPN xã thấy việc gấp hoa có nhiều thuận lợi hơn các nghề trên, vì nghề này vừa đơn giản, ai cũng có thể làm được, vừa bảo đảm vệ sinh, nguyên liệu lại nhẹ nhàng, dễ dàng vận chuyển. Thời điểm này có nhiều chị em bị thu hồi diện tích canh tác nên nhu cầu việc làm rất bức thiết. HPN xã đã quyết định đến Công ty TNHH Vân Anh (TP Hải Dương) liên hệ. Sau khi được công ty chấp thuận, được sự giúp đỡ của Huyện hội và Trung tâm Giới thiệu việc làm 8-3 (HPN tỉnh), tháng 6 vừa qua HPN xã đã mở lớp dạy nghề gấp hoa cho hơn 70 hội viên phụ nữ trong xã. Ngay từ tháng học nghề đầu tiên, các chị em vừa học vừa làm đã có sản phẩm xuất bán. Sau khi học nghề, các chị em tự phân nhóm khoảng 5-7 người thành một tổ. HPN xã nhận và cung cấp nguyên liệu. Với cách làm này, các chị em có điều kiện học hỏi nhau. Sản phẩm được làm qua 3 công đoạn từ uốn khung hoa, làm rọ đựng và sau đó ghép lại để hoàn thiện sản phẩm. HPN xã đứng ra thu gom sản phẩm của từng tổ. Sau đó Công ty TNHH Vân Anh về tận nơi nhận hàng. Tính đến đầu tháng 10, HPN xã Quang Trung đã xuất bán được gần 30 triệu đồng tiền hàng do hội viên trong xã trực tiếp làm. Các chị em tham gia không phải bỏ ra bất kỳ khoản lệ phí nào, tiền công được tính theo số lượng sản phẩm. Mỗi người làm thường xuyên có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Trong khi nhận hàng về làm, các chị em vẫn có thời gian để làm công việc gia đình.  Những lúc mùa vụ, các chị em có thể làm thêm vào buổi tối. Nhiều chị em trong xã trước đây không tham gia lớp học nghề, sau khi thấy các chị em khác làm có hiệu quả cũng đến học hỏi, nhận hàng về làm.

Từ mong muốn tạo ra nghề phụ giúp các hội viên có thêm thu nhập, đến nay nhiều hội viên đã tích cực tham gia. Gia đình chị Vũ Thị Thúy ở thôn Xạ Sơn có hoàn cảnh rất éo le. Năm 2010, sau một tai nạn, chị phải cưa bỏ bên chân trái, tay trái bị dị tật, cử động rất khó khăn. Để có tiền chạy chữa cho vợ và nuôi 2 con ăn học, chồng chị phải đi phụ hồ nhưng thu nhập rất bếp bênh. Dù thương tật, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, chị phải theo mọi người đi cắt hành thuê. Công việc vất vả, lấm lem đất cát, lại phải đi xa, chị vẫn phải cố làm, ngày công nhiều nhất cũng chỉ được 50 nghìn đồng. Từ khi được học và làm nghề gấp hoa, cuộc sống của gia đình chị Thúy đã khác hẳn. Hằng ngày, chị đã có thể tự làm ở nhà. Buổi tối cũng tranh thủ làm được. Tiền công lại cao hơn, mỗi tháng chị có thu nhập gần 2 triệu đồng. Gia đình các chị Hoàng Thị Phượng, Phạm Thị Gấm, Hoàng Thị Thúy Lan, Trần Thị Phượng... hầu hết diện tích đất canh tác đã bị thu hồi. Khi tham gia làm hoa giả với HPN xã, các chị đã có thu nhập ổn định.

Chị Vũ Thị Thà, Chủ tịch HPN xã Quang Trung cho biết: "Tuy mới, nhưng nghề này đã giúp nhiều chị em có thu nhập ổn định. Nếu tích cực làm, nguồn thu này sẽ giúp chị em trang trải sinh hoạt hằng ngày trong gia đình. Trong năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 20 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, trong đó hầu hết là các chị em tham gia làm nghề gấp hoa giấy. Đồng thời, qua các tổ làm nghề, HPN cũng dễ quản lý, thông báo các nội dung của hội đến các hội viên. Thời gian tới, HPN xã sẽ tiếp tục nhân rộng và tìm kiếm thêm những mã hàng mới để tạo nhiều việc làm cho chị em".

NGỌC THANH