Cẩm Giàng - "Cái khó ló cái khôn"

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:25, 17/10/2012

Cẩm Giàng hiện có 2/17 xã đạt 10-14 tiêu chí NTM, 7 xã đạt 5-9 tiêu chí và 8 xã đạt dưới 5 tiêu chí, do đó chặng đường phía trước còn khá nhiều chông gai...



Xã Cẩm Sơn đang xây dựng nhà văn hóa với kinh phí hơn 5 tỷ đồng để hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa

Nhiều tiêu chí khó thực hiện


Khi bắt tay triển khai xây dựng NTM, vấn đề được các địa phương ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng kinh tế xã hội như: giao thông, thuỷ lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hoá... Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là vấn đề vốn. Đa số các xã đều trông vào nguồn kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất. Song theo quy định mới, việc quy hoạch đất nông nghiệp để chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư phải tuân thủ quy trình phức tạp, khó thực hiện ngay. Một số xã như Tân Trường, Cẩm Phúc, Cẩm Điền, Cẩm Đoài... đã bàn giao đất cho khu công nghiệp,  không còn đất để “bán”, một số xã có đất để “bán” nhưng lại không có người mua, nên bài toán vốn xây dựng NTM rất nan giải.
Nhiều địa phương còn lúng túng khi xác định tiêu chí về văn hoá xã hội. Đồng chí Trình Văn Bích, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Giang cho rằng, việc xác định thế nào là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp rất khó, vì nhiều trường hợp vừa đi làm công nhân ở khu công nghiệp, làm thợ cơ khí... vừa làm ruộng. Lại có ý kiến  cho rằng, tiêu chí này hoàn toàn có thể thực hiện, vì hầu hết lao động trẻ ở Cẩm Giàng đều đi làm công nhân, làm thợ thủ công mỹ nghệ hoặc kinh doanh dịch vụ. Do đó, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm. Hiện nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cũng chưa có điều tra chính thức về cơ cấu lao động của huyện trong từng lĩnh vực. Trong khi đó, các xã tự nhận đã đạt tiêu chí này hầu như chỉ thống kê trên giấy, chưa làm điều tra một cách cụ thể, khoa học.

Tương tự, khi thực hiện tiêu chí về giáo dục với yêu cầu tỷ lệ lao động đã  qua đào tạo đạt từ 40% trở lên, một số địa phương lúng túng với những câu hỏi: lao động  tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật ngắn hạn có được tính là đã qua đào tạo nghề hay không? Lao động có tay nghề giỏi, được đào tạo ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ, ở các doanh nghiệp nhưng không có chứng chỉ nghề của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông được tính như thế nào? Chưa điều tra cụ thể về thực trạng lao động nên nhiều xã chưa tính đến kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo một cách bài bản, mà phụ thuộc vào các chương trình dạy nghề, đào tạo nghề miễn phí do các ngành chức năng phối hợp với các đoàn thể tổ chức.

Lồng ghép các dự án

Cẩm Sơn là 1 trong 5 xã được huyện Cẩm Giàng chọn xây dựng NTM giai đoạn đầu. Trong 2 năm 2010-2011, xã đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho trường mầm non; làm 5 km đường giao thông nông thôn; xây dựng nhà văn hoá, trụ sở làm việc của xã; chuẩn bị mặt bằng xây dựng 1,5 km đường theo dự án WB3... góp phần hoàn thiện  13 trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Đồng chí Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: Là xã nhỏ, ít dân, để giải quyết vấn đề kinh phí, Cẩm Sơn luôn xác định phải phát huy tinh thần đoàn kết của các cộng đồng dân cư để huy động nguồn lực của nhân dân theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, xã có sáng kiến động viên, hỗ trợ  mỗi ngõ xóm 10 triệu đồng, tạo nên không khí thi đua sôi nổi giữa các cụm dân cư. Đồng thời tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, nguồn kinh phí "đổi đất lấy công trình" của địa phương... Tới đây, khi thực hiện tiêu chí về thủy lợi, xã đang tính đến phương án "dồn điền, đổi thửa" nhằm giảm các nhánh kênh "xương cá", tiết kiệm chi phí kiên cố hóa kênh mương, giảm sức nặng đóng góp cho dân.

Cũng như Cẩm Sơn, nhiều xã ở Cẩm Giàng đã tranh thủ lồng ghép các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vào chương trình xây dựng NTM, nhằm tranh thủ mọi nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở vật chất. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, toàn huyện hiện có 10 xã đang triển khai lồng ghép các dự án làm đường giao thông, xây nhà văn hóa thôn, xây dựng trụ sở làm việc của xã, hoàn thiện các công trình cho trường học, xây dựng hệ thống cấp nước sạch... với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng như: Cao An, Cẩm Định, Cẩm Đoài, Đức Chính.... Hoàn thành các dự án này, nhiều tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội của các địa phương tiếp cận được với tiêu chí NTM. Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hỗ trợ mỗi xã 10 triệu đồng để tuyên truyền trực quan (với điều kiện công tác tuyên truyền được thực hiện đúng kế hoạch của huyện);  phân bổ hợp lý nguồn vốn đầu tư của cấp trên cho các địa phương xây dựng NTM. Đồng thời, tích cực huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu NTM; tổ chức tham quan, học tập các mô hình NTM ở địa phương khác; kết hợp hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo đảm kết quả thực chất, tránh chạy theo thành tích. Các cấp, các ngành đưa kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vào tiêu chí bình xét thi đua hằng năm và có cơ chế thưởng hợp lý cho những đơn vị làm tốt...

THANH MAI