Còn mang tính tự phát
Trong nước - Ngày đăng : 08:46, 21/10/2012
Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, huyện cần quan tâm đầu tư kinh phí, dành quỹ đất làm sân cho người dân tham gia luyện tập...
Xã Kim Tân đầu tư hơn 10 triệu đồng nâng cấp sân cầu lông tại trụ sở UBND xã
"Không chơi thì… nhớ lắm"
Đã thành thói quen từ nhiều năm nay, cứ vào 17 giờ hằng ngày, ông Nguyễn Tuấn Khuê, 67 tuổi, cán bộ hưu trí ở thị trấn Phú Thái lại xách cây vợt cầu lông đến nhà văn hóa Phố Ga. Với ông Khuê, chơi cầu lông không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn là dịp để ông gặp gỡ, giao lưu với những người bạn hưu trí. Vừa xong séc cầu, quệt những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán, ông Khuê bảo tôi: "Những hôm nhà có công, có việc không ra sân được thì nhớ lắm, trong người cảm thấy khó chịu, ăn cơm không ngon". Mặc dù đã 67 tuổi nhưng ông Khuê vẫn nhanh nhẹn, rắn rỏi, nước da hồng hào. Sân cầu lông trước trụ sở UBND thị trấn Phú Thái sau giờ làm việc cũng đông hẳn lên. Ông Đỗ Cao Trường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thái cho biết: " Những năm gần đây, phong trào chơi cầu lông ở thị trấn rất phát triển, ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập. Thị trấn hiện có 9 khu phố thì có 8 sân cầu lông. Vào mỗi buổi chiều, các sân cầu lông lại chật cứng người đến chơi, cổ vũ. Hầu hết các sân cầu lông đều có lưới quây để chắn gió và điện thắp sáng nên người dân có thể chơi đến 7 - 8 giờ tối".
Phong trào cầu lông còn phát triển ở nhiều địa phương khác của huyện như các xã: Đồng Gia, Kim Tân, Thượng Vũ, Cổ Dũng, Cộng Hòa… Ông Phạm Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết: "Xã đã thành lập 1 câu lạc bộ cầu lông với hơn 30 thành viên. Đầu năm 2012, xã đầu tư hơn 10 triệu đồng để nâng cấp sân cầu lông ngay sau nhà làm việc của UBND xã". Gần 1 năm nay, thay vì đến sân nhà văn hóa thôn, anh Phạm Văn Thuần ở thôn Thiên Đông tới chơi cầu lông ở sân UBND xã. Anh Thuần cho biết: "Không chơi cầu lông thì thôi, chứ đã chơi thì mê lắm. Vào những ngày mưa to thì đành chịu chứ mưa nhỏ chúng tôi vẫn rủ nhau đội mưa để chơi".
Huyện Kim Thành cũng thường xuyên tổ chức các giải thi đấu giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, qua đó tuyển chọn được những tay vợt giỏi tham dự các giải cấp tỉnh.
Quan tâm đầu tư có chiều sâu
Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở của huyện Kim Thành đặc biệt quan tâm tới phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng, trong đó có môn cầu lông. Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện Kim Thành cho biết: "Cầu lông là môn thể thao dễ chơi, phù hợp với nhiều lứa tuổi nên được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện tham gia. Các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng quan tâm, tạo sân chơi cầu lông cho cán bộ, công nhân viên, nhằm rèn luyện sức khỏe để nâng cao hiệu quả công việc". Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, nhà trường trên địa bàn đều có sân cầu lông, thường xuyên có người luyện tập. Toàn huyện đã thành lập 12 câu lạc bộ của 12 xã, thị trấn, thường xuyên tổ chức luyện tập, thi đấu giao lưu. Huyện hiện có 1 nhà thi đấu với 2 sân cầu lông bảo đảm tiêu chuẩn, phục vụ các giải đấu và các cuộc giao lưu của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Nhiều xã đã quan tâm dành quỹ đất làm sân, đầu tư hàng chục triệu đồng để mua lưới quây chắn gió, đèn chiếu sáng. Vừa qua, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - thể thao huyện đã tham mưu cho UBND huyện đầu tư hơn 40 triệu đồng làm sân cầu lông, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối tháng 10-2012.
Mặc dù phong trào chơi cầu lông của huyện Kim Thành phát triển mạnh, tuy nhiên theo ông Minh, hầu hết vẫn mang tính tự phát. Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, rộng khắp, cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể trong huyện cần quan tâm đầu tư kinh phí, dành quỹ đất làm sân tập vì hiện nay sân tập ở các thôn, khu dân cư hầu hết tận dụng sân của nhà văn hóa, đình, chùa. Các địa phương cũng cần đưa kinh phí chi cho hoạt động thể dục thể thao vào kế hoạch đầu năm.
NGUYỄN MẪN