Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phụ nữ

Tin tức - Ngày đăng : 10:54, 21/10/2012

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng công tác vận động phụ nữ, xác định phụ nữ có vai trò to lớn trong việc tập hợp, xây dựng lực lượng của cách mạng.



Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang (1965)


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rạng rỡ”, “Nhân dân ta anh hùng là nhờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “ Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hoặc đời sống hằng ngày, phụ nữ Việt Nam đã có vị trí, vai trò rất to lớn.

Suốt hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, phụ nữ Việt Nam đã được tôi luyện, trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng công tác vận động phụ nữ, xác định phụ nữ có vai trò to lớn trong việc tập hợp, xây dựng lực lượng của cách mạng. Bởi phụ nữ là một nửa nhân loại, không huy động được phụ nữ tham gia thì cách mạng không thể thắng lợi. Đúng như trong tác phẩm “Đường kách mệnh”  năm 1927), Người viết: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng cũng nêu rõ: “Nam nữ bình quyền”. Bác Hồ và Đảng ta sớm nhận rõ phụ nữ là lực lượng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ Đảng phải giải phóng phụ nữ.

Khi Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Bản Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới, phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Nói chuyện tại Đại hội Liên hoan phụ nữ “Năm tốt” vào ngày 30-4-1964, Bác Hồ đã giúp phụ nữ nhận thức rõ: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”.

Bác không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong mọi quan hệ xã hội mà còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng, khuyên giới nữ ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Trong dịp gặp gỡ với cán bộ tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) vào ngày 10-2-1967, Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: "Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp". Tại buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18-1-1967, Bác đã nghiêm khắc phê phán những thành kiến hẹp hòi ở một số cán bộ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”. Bác đã chỉ ra cho chúng ta thấy, phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước”. Bác đã biểu dương những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm: “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”. Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta...”. Phụ nữ nước ta còn được Bác khen tặng bởi những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trong mọi lĩnh vực... “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo... Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan... Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng...”. Bác khuyên giới nữ phải tự đấu tranh với bản thân mình, tự mình phải biết tôn trọng mình mới làm nên mọi việc. Bác đã nói: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập". Bác đã nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến công tác phụ nữ.

Trong Di chúc, Bác viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Đó là lời dạy của Bác đối với Đảng ta trong công tác phụ nữ và sự giáo huấn để người phụ nữ luôn tiến bộ.

Trải qua các thời kỳ vẻ vang của cách mạng, 82 năm qua kể từ ngày thành lập, từ các tổ chức tiền thân đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam luôn giữ vững được vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Qua các giai đoạn và các nhiệm kỳ Đại hội, Hội LHPN Việt Nam đã khởi xướng và phát động các phong trào, các cuộc vận động lớn, có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội nhân văn sâu sắc.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ , đáp ứng yêu cầu công việc nhiệm vụ". Từ những kết  quả hoạt động của phong trào phụ nữ Việt Nam với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chúng ta thật đáng tự hào không chỉ thể hiện sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, mà còn thể hiện việc phát huy truyền thống và những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là luôn có tư tưởng Hồ Chí Minh  dẫn đường, chỉ lối.

NGUYỄN VĂN THANH