Truyền thanh cơ sở khấp khởi chờ dự án

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 07:49, 23/10/2012

Khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, chế độ chính sách... đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở...



Hệ thống cơ sở vật chất của Đài Truyền thanh xã Tân Tiến (Gia Lộc) được đầu tư từ những năm 90 nên hay bị hỏng

Hệ thống đài truyền thanh cơ sở (TTCS) có vai trò quan trọng trong việc truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Tuy nhiên, theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), khó khăn về cơ sở vật chất (CSVC), nhân lực, chế độ chính sách... đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ thống này. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 32 đài TTCS (chiếm 12,1%) có CSVC đáp ứng được yêu cầu, còn lại 124 đài CSVC đang xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Toàn tỉnh có 661 lao động làm việc tại các đài TTCS, hầu hết chưa có chứng chỉ về nghiệp vụ báo chí, kỹ thuật phát thanh, chỉ có khoảng 26% được tập huấn nghiệp vụ. Mức phụ cấp của lao động tại các đài TTCS cũng rất thấp, chỉ bằng 0,9% hệ số lương cơ bản.


Khảo sát thực tế hệ thống đài TTCS tại huyện Gia Lộc, chúng tôi thấy rõ những khó khăn này. Theo xu hướng phát triển, hệ thống TTCS hướng tới mô hình truyền dẫn vô tuyến (không dây). Tuy nhiên, hiện nay tất cả 23 đài TTCS ở Gia Lộc đều sử dụng phương thức truyền dẫn hữu tuyến (có dây). Do sử dụng hệ dây dẫn nên việc kéo dây, bảo trì hệ thống gặp nhiều khó khăn. Nhiều xã sử dụng tăng âm, loa... mua cách đây hàng chục năm. Ông Đỗ Văn Quang, cán bộ Đài Truyền thanh xã Tân Tiến cho biết: “Người dân quê tôi rất quan tâm theo dõi các chương trình của Đài Truyền thanh xã, từ thông báo lịch gieo trồng, tin tức về hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của xã, huyện, tỉnh... Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có những thiết bị sơ đẳng nhất phục vụ cho việc phát thanh, lại mua từ năm 2004, có thiết bị từ những năm 90 nên thường bị hỏng, loa bị rè. Các khu dân cư ở xa không nghe rõ các chương trình phát thanh của đài. Một số thôn chưa kéo được hệ thống loa xuống tới nơi. Năm 2011, ngân sách xã trích 30 triệu đồng để lắp thêm 800 m dây và một số loa. Với việc đầu tư nhỏ giọt như hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ từ cấp trên sẽ không thể nâng cao chất lượng TTCS".

Hiện tại, huyện Bình Giang có 18 đài TTCS với 52 lao động. Hầu hết số lao động này chưa có chứng chỉ về nghiệp vụ báo chí, kỹ thuật phát thanh. Do đó, việc thu thập thông tin, viết tin, bài, thậm chí cả đọc cũng còn rất hạn chế. Hiện tại, chỉ có hơn 50% số lao động tại các đài TTCS của huyện được tập huấn nghiệp vụ phát thanh ngắn hạn, còn lại hầu hết chưa được học qua trường lớp, đào tạo. Ông Trần Quang Phẩm, Phó Trưởng Đài Phát thanh huyện Bình Giang cho biết: “Để nâng cao chất lượng TTCS, yếu tố con người là quan trọng nhất nhưng hiện nay tất cả lao động tại các đài TTCS chỉ được nhận phụ cấp hơn 900 nghìn đồng/người/tháng, không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều cán bộ Đài Truyền thanh xã phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên không chuyên tâm vào công việc phát thanh. Do thiếu lao động, một số đài TTCS tuyển thêm 1-2 người, nhưng theo quy định của UBND tỉnh, chỉ phụ cấp chế độ cho 2 người nên càng tuyển nhiều người thì tiền phụ cấp cho mỗi người càng thấp. Vì vậy, rất khó để thu hút lao động có trình độ, nhất là lao động trẻ về làm việc tại các đài TTCS”.

Về mặt pháp lý, hiện tại, tỉnh ta chưa có văn bản quyết định phê duyệt thành lập các Đài Truyền thanh cấp xã nên rất khó cho việc bổ nhiệm các chức danh như trưởng, phó đài... Nhân viên ở các đài xã thường gọi chung là cán bộ truyền thanh xã và được nhận phụ cấp như nhau. Hiện tại, các lao động tại đài TTCS cũng chưa được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chưa có chế độ, chính sách ưu đãi khác…

Đây là khó khăn chung của tất cả các đài TTCS trên địa bàn tỉnh. Để tháo gỡ khó khăn này, tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng đài TTCS tỉnh Hải Dương đến năm 2015”. Đây là tín hiệu vui cho các đài TTCS. Theo đề án, tất cả 265 đài TTCS trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng cấp về CSCV: đầu tư xây dựng phòng máy, lắp đặt máy vi tính, kết nối in-tơ-nét. Các đài không dây đã đầu tư trước năm 2011 sẽ được nâng cấp để tránh hiện tượng chèn sóng, gây can nhiễu. Các đài có dây sẽ được chuyển sang không dây. Mỗi đài TTCS sẽ có ít nhất 3 cán bộ, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và được đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ. Tổng kinh phí của đề án là hơn 180 tỷ đồng, từ các nguồn: Trung ương, tỉnh, huyện, thành phố, xã. Ông Nguyễn Quang Hảo, Giám đốc Sở  Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết: “Sở TT-TT đang khẩn trương cụ thể hóa bằng các kế hoạch hằng năm, xây dựng các dự án, nhiệm vụ cụ thể để trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai. Đồng thời, làm việc với các Cục, Vụ của Bộ TT-TT để được xem xét hỗ trợ kinh phí...”.

TRUNG ANH