Mỹ thuật chú ý phát huy được cốt cách dân tộc

Tin tức - Ngày đăng : 17:28, 24/10/2012

Cách đây 50 năm, ngày 24-10-1962, Bác Hồ đến xem Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Người khen ngợi những bước tiến mới của ngành mỹ thuật và nói: “Các tranh tượng đã nói lên được tình người, tả chân thực người lao động bình thường. Anh chị em đã cố gắng đi vào đời sống, thế là tốt. Nhưng tranh chưa nói lên được khí thế thi đua của quần chúng. Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc...”.

Sau khi nước ta giành được độc lập, dù bộn bề việc nước, đối phó với thù trong, giặc ngoài, song Bác Hồ vẫn dành thời gian đến dự khai mạc và thăm hỏi từng tác giả mỹ thuật tại Triển lãm Văn hoá được tổ chức ở Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội, năm 1945). Sau đó, Người còn đến xem các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1958, 1960; triển lãm tranh tượng của anh chị em hoạ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1962; hai triển lãm tranh ký họa từ miền Nam gửi ra bày ở Bảo tàng Mỹ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1966, 1968. Những vinh dự đặc biệt ấy khắc sâu trong lòng giới nghệ sĩ tạo hình và ảnh hưởng lớn đến việc hình thành những tố chất mới, định hình của dòng tranh hiện thực cách mạng và kháng chiến suốt nhiều thập kỷ qua...

Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951, Bác Hồ đã nêu rõ:  “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Theo Bác, cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm trọn nhiệm vụ, Người cho rằng, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Về sáng tác “thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy. Kháng chiến tiến bộ mạnh. Quân và dân ta tiến bộ mạnh. Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình”.

Làm theo lời dạy của Bác, ngày nay ngành mỹ thuật Việt Nam luôn phấn đấu có nhiều tác phẩm mỹ thuật xuất sắc, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tính nhân văn dân chủ, vì một nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

QUANG MINH  (biên soạn)