Bão số 8 gây gió giật cấp 7, thiệt hại lớn về tài sản
Môi trường - Ngày đăng : 09:09, 29/10/2012
* Báo cáo thiệt hại do bão số 8 gây ra trước 19 giờ ngày 29-10
* Khẩn trương thu hoạch lúa mùa đã chín, chủ động chống úng
* Bão số 8 làm 1 người ở TP Hải Dương chết, 4 người bị thương (2 bố con một gia đình ở Tứ Kỳ và vợ chồng một gia đình ở Kinh Môn)
Hồi 8 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10 km, suy yếu và tan dần.
Bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần
Do ảnh hưởng của bão số 8, đêm 28, sáng 29-10, Hải Dương đã có gió mạnh cấp 6 (10 m/s), giật cấp 7 (14 m/s). Bão đã gây ra một đợt mưa vừa đến mưa to trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến từ 70–180 mm (từ sáng 28 đến sáng 29-10). Những địa phương có lượng mưa lớn như Ninh Giang (214 mm), Thanh Hà (198,2 mm), Kinh Môn (180,6 mm), Tứ Kỳ (172 mm) và Kim Thành (143,7 mm).
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 8, các sông khu vực hạ lưu nước dâng cao trên 1m so với đỉnh triều bình thường.
Tại huyện Kim Thành, PVNINH TUÂN đang có mặt tại hiện trường cho biết, tính đến sáng 29-10, toàn huyện Kim Thành có hơn 1.000 ha lúa nếp (nếp cái hoa vàng, nếp xoắn, nếp Thái Bình) bị đổ, ngập trong nước. Hàng chục ha ngô nếp trồng sớm cũng bị đổ rạp. Hơn 1.000 rau màu vụ đông đã bị ngập, úng.
Tại cánh đồng thôn Bắc, xã Cổ Dũng, hàng chục ha lúa nếp đang ở giai đoạn chắc xanh, ngô nếp bị đổ rạp. Gần như ruộng lúa nếp, ngô nào cũng bị đổ.
Nhà anh Nguyễn Quý Công trồng 8 sào lúa nếp đã bị đổ toàn bộ. Anh Công cho biết: “Lúa nếp bị đổ sẽ làm giảm năng suất 50%. Lúa đổ thì rất khó khắc phục vì buộc lên thì cây cũng bị dập nát”.
Nhiều ruộng lúa nếp bị đổ ngập trong nước, nếu không tiêu nước kịp thời, lúa sẽ thối. Tại cánh đồng thôn Xuân Mang, xã Tuấn Hưng, nhiều diện tích ngô nếp sắp cho thu bắp, lúa nếp cũng đổ rạp xuống mặt ruộng đầy nước.
Ngô nếp sắp cho thu hoạch bắp, lúa nếp ở cánh đồng thôn Xuân Mang, xã Tuấn Hưng bị đổ rạp. Ảnh Ninh Tuân
Thông tin cập nhật từ Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Miện do CTVHOÀNG THỊ NẾT cung cấp cho biết, do ảnh hưởng của bão số 8, từ chiều 28 đến sáng 29-10 trên địa bàn huyện Thanh Miện đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7 kèm theo mưa to. Lượng mưa đo được tại Neo là 185mm.
Mưa lớn kết hợp với gió giật mạnh đã làm đổ và ngập phần lớn trong tổng diện tích trên 1.000 ha cây màu vụ đông của huyện, trong đó có 500 ha ngô, trên 100 ha bí xanh và nhiều cây rau màu khác.
Xã bị thiệt hại năng nhất gồm: Hùng Sơn, Cao Thắng, Phạm Kha... Gió bão cũng làm nhiều cây cổ thu trên địa bàn huyện bị bật gốc, đổ ngổn ngang ra đường. Ước tính tổng thiệt hại trên 20 tỷ đồng.
Nhiều diện tích ngô của Thanh Miện bị bão quật đổ. Ảnh: Hoàng Nết
Tại Tứ Kỳ, PVDANH TRUNG, NINH TUÂN cho biết, do nằm gần khu vực tâm bão đi qua, Tứ Kỳ là địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão số 8.
Đêm 28-10, bão số 8 đã làm tốc mái phi-brô xi-măng và sập tường nhà anh Nguyễn Văn Sỹ (sinh năm 1980) ở thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh làm anh và con trai Nguyễn Minh Sơn (sinh năm 2002) bị thương. Hiện 2 bố con anh Sỹ đang cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngoài ra, Hà Thanh còn có 10 nhà ở của người dân bị tốc hoàn toàn hoặc một phần mái phi-brô xi-măng, mái tôn, mái ngói; trên 20 nhà trông coi ở khu chuyển đổi, công trình chăn nuôi, nhà bếp cũng bị tốc mái phi brô xi-măng; trường mầm non, trạm y tế xã bị tốc mái phi-brô xi-măng, mái tôn; nhiều cửa kính, trần nhựa chống nóng ở trường tiểu học và THCS xã bị vỡ, sập; 8 cột điện hạ thế bị đổ, 3 cột điện bị nghiêng, 70 ha rau màu vụ đông bị thiệt hại, hơn 5 ha lúa mùa bị đổ.
Khu nhà cấp 4 Trạm Y tế xã Quang Phục bị tốc mái. Ảnh: Danh Trung
PVTHÀNH CHUNG vừa cho biết, từ chiều 28 đến sáng 29-10, tại địa bàn huyện Gia Lộc có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, kèm theo mưa trên 150 mm đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê ban đầu, hầu hết diện tích ngô, dưa chuột, mướp đắng của huyện bị đổ, nhiều diện tích có khả năng mất trắng.
Nông dân xã Toàn Thắng (Gia Lộc) nâng diện tích ngô bị đổ. Ảnh: Thành Chung
Tại xã Thạch Khôi (TP Hải Dương), sáng sớm 29-10, người dân thôn Phú Thọ đã khẩn trương ra đồng khắc phục hậu quả mưa bão. Phần lớn diện tích trồng cây vụ đông ở cánh đồng Vôi bị ngập trong nước. Bà con nông dân phải sử dụng máy bơm mi-ni để tiêu thoát nước, cứu những diện tích hoa màu đang bị úng...
Nông dân thôn Phú Thọ, xã Thạch Khôi (TP Hải Dương) bơm nước chống úng
cho diện tích rau màu đang bị ngập do mưa bão. Ảnh: Thành Chung
Huyện Thanh Hà có hơn 2.000 ha lúa, rau màu và cây ăn quả bị đổ và ngập. Do mất điện nên các trạm bơm không hoạt động được. Các cơ quan chức năng đã phải mở cống qua đê để tiêu thoát nước ra sông ngoài. Sau khi khắc phục sự cố sạt lở cách đây vài ngày, mưa lớn kéo dài từ chiều 28 đến sáng 29-10 cộng với triều cường dâng cao lại làm sạt hơn 10 m đê bối ở thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà), khiến nước sông tràn vào diện tích lúa mùa muộn của người dân đang chuẩn bị thu hoạch.
Mưa bão đã làm ngập úng 75 ha diện tích lúa mùa của các xã Hoàng Tiến, Văn Đức, An Lạc (Chí Linh), trong đó có 55 ha lúa bị đổ. Toàn thị xã có 80 ha cây vụ đông bị đổ, trong đó có 70 ha ngô, tập trung ở các xã Đồng Lạc, Tân Dân, Lê Lợi, Bắc An, phường Bến Tắm...
Toàn huyện Kinh Môn có 470 ha lúa nếp bị đổ hoàn toàn, trong đó có khoảng 250 ha bị ngập sâu trong nước, 2.000 ha cây vụ đông (chủ yếu là cây hành) bị ngập, có diện tích ngập sâu tới 40 cm. Do bị mất điện nên đến 9 giờ 30 sáng 29 - 10, các trạm bơm của huyện mới hoạt động được. Dự kiến, phải mất từ 3 - 5 ngày bơm tiêu, diện tích lúa và cây vụ đông của huyện mới thoát khỏi tình trạng ngập úng. Ông Phạm Thế Vang, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết: Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 29-10, ông Trần Văn Sinh (62 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Bình (60 tuổi) ở thôn Tống Xá bị thương do mái nhà cấp 4 sập.
Huyện Ninh Giang có 450 ha lúa bị đổ hoàn toàn, tập trung tại các xã Vĩnh Hòa, Đồng Tâm, Nghĩa An... Hơn 500 ha rau màu cũng bị dập nát, ngập trong nước. Gần 50 ngôi nhà lợp phi-brô xi-măng bị tốc mái, nhiều cây cối bị đổ.
Huyện Nam Sách có gần 1.300 ha diện tích cây vụ đông bị ngập, úng. Trong đó, trên 400 ha bị ngập toàn bộ mặt luống, số còn lại bị ngập 2/3 chân luống, hoặc bị đổ rạp. Diện tích trồng hành, tỏi bị ngập nhiều nhất với trên 775 ha, tập trung ở các xã An Bình, An Lâm, Nam Trung... Xã Cộng Hòa có trên 120 ha cà rốt bị ngập. Nhiều diện tích trồng các loại cây khác như: ngô, bí, dưa bị đổ rạp, táp lá.
Tại Cẩm Giàng, bão số 8 làm 35 ha ngô bị gẫy đổ, ước tính thiệt hại năng suất khoảng 80%, tập trung chủ yếu ở các xã Cẩm Sơn, Đức Chính. Ngoài ra, hàng trăm ha ớt, cà rốt, bí xanh, khoai tây, rau bị ảnh hưởng nhẹ, ước tính bị thiệt hại từ 5-10%.
Huyện Bình Giang có 80 ha ngô, bí xanh bị dập nát. Các xã có diện tích rau bị thiệt hại là: Hùng Thắng, Cổ Bì, Thái Hòa, Tráng Liệt. Một số mái nhà của UBND xã Hồng Khê và nhà dân trên địa bàn huyện bị tốc mái.
Tại TP Hải Dương, mưa to khiến một số tuyến đường như: Nguyễn Lương Bằng, Ngô Quyền, Quán Thánh, Quang Trung, Nguyễn Thị Duệ, Hoàng Diệu... bị ngập nặng. Theo thống kê sơ bộ, TP Hải Dương có hơn 90 cây xanh trên các tuyến phố bị gãy, đổ, trong đó có 31 cây phải chặt bỏ, chủ yếu là cây trứng cá, bàng. Bão làm tốc mái 400 m2 mái tôn ở Trường Tiểu học Thạch Khôi, 100 m2 mái phi-brô xi-măng chuồng trại chăn nuôi tại xã Ái Quốc và trên 10 m2 mái tôn nhà kho tại phường Việt Hoà... Tối 28-10, do bị mất điện nên một số khu vực ở các phường Trần Hưng Đạo, Thanh Bình, Tân Bình... tín hiệu truyền hình cáp bị gián đoạn. Đặc biệt, bão đã làm đứt đường dây điện khiến ông Đỗ Văn Kế (sinh năm 1955, ở thôn Đông Giàng, xã Thượng Đạt) bị tử vong.
Mưa bão làm đổ nhiều cây to, gây ngập úng nặng trên đường Nguyễn Lương Bằng
(TP Hải Dương). Ảnh: Minh Nguyên
Theo báo cáo nhanh vào chiều 29-10 của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh, bão số 8 làm 4 người bị thương (Tứ Kỳ 2 người, Kinh Môn 2 người), 221 nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng chục cột điện bị gẫy, đổ, 4.000 ha lúa, 7.000 rau màu vụ đông bị ngập, úng, 3.400 ha lúa bị đổ làm giảm 30% năng suất. Hàng chục nghìn cây ăn quả, cây bóng mát bị đổ, gẫy. Cống Nại Thượng (Kim Thành) bị sạt mang cống phía đồng dài 4,5 m, bãi sông Thất Hùng (Kinh Môn) tiếp tục sạt lở vào sát chân đê, kênh trạm bơm Cậy Sơn (Kinh Môn) bị sạt dài 20 m. Do ảnh hưởng của gió bão, 15 đường dây điện trung áp xảy ra sự cố, gây mất điện ở hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh. Toàn tỉnh có trên 180 cột điện hạ thế bị đổ. Thiệt hại bão gây ra cho ngành điện khoảng 300 triệu đồng.
Báo cáo thiệt hại do bão số 8 gây ra trước 19 giờ ngày 29-10
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển:
|
Nam Định: Tháp truyền hình cao 180 m đổ gục Tối 28-10, tháp truyền hình cao 180m của tỉnh Nam Định bị gió bão số 8 (bão Sơn Tinh) giật đổ sập ra đường. Đây là tháp truyền hình cao và hiện đại nhất miền Bắc, hoàn thành năm 2011, mới được đưa vào sử dụng. Trao đổi với PV lúc 23g30 ngày 28-10, ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài PT-TH Nam Định cho biết, do bão số 8 bất ngờ đổi gió đã quật đổ tháp truyền hình của đài vào tối cùng ngày. Tháp truyền hình Nam Định cao 180 m, vị trí bị gãy cách đỉnh tháp 150m. Rất may do khu vực đặt tháp truyền hình không có nhiều dân cư sinh sống nên sự cố không gây thiệt hại về người. Tại hiện trường, cột tháp nằm trong khuôn viên hàng nghìn m2 bị đổ sập, chỉ còn lại phần đế tháp. Hơn 100m tháp đổ sập ra ngoài khuôn viên, vắt ngang đường, sát một nhà dân. Thời điểm ngọn tháp đổ toàn thành phố Nam Định đã mất điện nên các hộ dân xung quanh chỉ nghe thấy một tiếng rầm lớn như tiếng nổ. Điều này đã làm hoảng loạn nhiều người dân cho đến khi phát hiện ra cột tháp truyền hình đã bị đổ.
Đến 0g ngày 29-10, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Nam Định đã bị chia cắt do cây, cột điện đổ ngang đường. Nhiều biển quảng cáo, đèn điện trang trí bị gió lốc giật xuống lòng đường. Một số tuyến phố nước ngập gần 1m khiến ô tô không thể đi lại, nước tại các hồ chữa tràn lên mặt đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vào thời điểm này. Tính đến 0g ngày 29-10, thiệt hại sơ bộ của Nam Định được ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - cho biết đã mất trắng toàn bộ 6.000 ha lúa, hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản tại vùng bãi bồi ngoài biển. Tuy nhiên, rất may mắn là thời điểm này vẫn chưa xảy ra thiệt hại về người. Ông Tuấn cho biết toàn bộ các lực lượng của tỉnh được huy động phòng chống bão đều đang ứng trực để đổi phó với tình huồng xấu nhất khi bão đổ bộ. Tại Nam Định, từ 19g đêm 28-10, bão số 8 đã gây mưa lớn và gió cấp 11, giật tới cấp 12. Trong số ba huyện ven biển của tỉnh Nam Định (Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng), huyện Nghĩa Hưng được xem là nơi ảnh hưởng và chịu những thiệt hại đầu tiên từ bão số 8.
Cho đến 19g30, tại xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng), mưa và gió bão giật tới cấp 12 đã khiến hàng loạt cây xanh trên các trục đường lớn trên địa bàn toàn xã gãy đổ, nhiều gia đình có nhà mái ngói, nhà mái cỏ đã bị gió thổi tốc mái. Tại xóm 3, nơi chỉ cách đê biển khoảng 200m, gió bão đã khiến cả ba gian nhà mái ngói của gia đình ông Nguyễn Văn Đạt (xóm 3, xã Nam Điền) chỉ còn trơ lại bốn bức tường. Ngay cạnh đó là bốn gian nhà mái cói của gia đình ông Trần Văn Đoàn cũng bị gió thổi bay mái. “Gió giật mạnh như thế này thì nhà ngói nào chịu nổi. Gió thổi bay cả mái ngói khiến cả dãy nhà chỉ còn trơ lại hơn 1 tấn thóc nằm trong cót, gia đình phải áo mưa che phủ. Gió mỗi lúc một mạnh, không chỉ gia đình tôi, nhiều gia đình khác cũng có nhà ngói bị tốc mái” - ông Đạt nói. Ghi nhận tại xã Nam Điền, một địa điểm có đặc thù giáp biển và có tới năm xóm trong xã đối mặt trực diện với đê biển, ngay tại thời điểm mưa lớn và gió giật tới cấp 12, tính đến gần 20g tối 28-10, chỉ sau gần hai giờ chịu ảnh hưởng mưa và gió giật mạnh, đã có hàng loạt tuyến dây diện trên các ngõ xóm bị đứt. Ông Hoàng Thành Triệu, chủ tịch UBND xã Nam Điền, cho biết do đặc thù là xã còn tỉ lệ nhà mái rạ nhiều với 53 nhà, mái cói có 105 nhà, mái ngói có 1.031 nhà nên ngoài việc thực hiện di dời các hộ dân sinh sống ngoài đê vào khu vực an toàn, xã cũng đã chủ động di dời gần 2.000 người từ trước thời điểm bão vào. Đến 20g, tại Nam Định đang mưa to gió lớn, giật tới cấp 12 nhưng do đêm tối, nhiều nơi bị mất điện nên chưa có thống kê về thiệt hại. Mưa gió và cây đổ cũng ngăn cản các lực lượng chống bão đi kiểm tra các khu vực xung yếu. Gần như toàn bộ tỉnh Nam Định đã bị mất điện, văn phòng Ban chỉ huy PCLB đặt tại thành phố Nam Định phải sử dụng máy phát điện.
Hải Phòng: Nhiều lồng bè bị trôi ra vịnh 21g30 đêm 28-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa tiếp cận được các bè đang bị trôi dạt còn lại. Dù đã cứu được 6 người nhưng hiện tại vẫn còn ít nhất 10 người trên các lồng bè bị trôi dạt ở khu vực vịnh Cát Bà (Cát Hải). Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết vào khoảng 19g ngày 28-10, có bốn lồng bè cùng 11 người dân đang neo đậu bị gió lớn cuốn trôi dạt ra khu vực vịnh Cát Bà. Hiện các lồng bè và người dân bị trôi dạt này đang trong tình trạng nguy hiểm vì lực lượng tìm kiếm cứu nạn chưa thể tiếp cận được. “Huyện đang tìm mọi biện pháp để tiếp cận, di chuyển các lồng bè về nơi an toàn nhưng do gió mạnh kèm theo mưa lớn khiến công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trước mắt lực lượng tìm kiếm sẽ tiếp cận các lồng bè, đưa người vào bờ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Nếu tình trạng nguy cấp sẽ đề nghị thành phố và các cơ quan chức năng đưa phương tiện lớn ra đảo để đưa các lồng bè vào bờ”, ông Minh nói. Thanh Hóa, Ninh Bình: Mưa lớn, nhiều khu vực cúp điện Chiều tối 28-10, bão số 8 đã áp sát ven bờ các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc (Thanh Hóa), Kim Sơn (Ninh Bình) gây gió lớn và mưa to tại một số điểm. Đến tối, gió lốc đã làm bật mái một số ngôi nhà, dập đổ nhiều cây cối và hoa màu của người dân. Tại huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), khoảng 18g gió bắt đầu thổi mạnh khiến cây cối đổ rạp, nhiều nhà dân bị tốc mái. Ngay đối diện đoàn 500, Quân khu 3, một nhà dân bị tốc mái tôn, một số mảnh tôn bay từ tung ra đường nên lực lượng của quân đội đã phải hỗ trợ thu dọn mảnh tôn và cố định mái nhà. Trên các tuyến đê xung yếu, các lực lượng đều ứng trực đầy đủ. Đích thân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đi kiểm tra, thị sát công tác chuẩn bị phòng chống bão của địa phương. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, qua kiểm tra tại Thanh Hóa, Ninh Bình cho thấy công tác chuẩn bị của các địa phương khá chu đáo. Bộ trưởng cho biết, tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, các địa phương đã thực hiện đầy đủ phương án phòng chống bão theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay, công tác chuẩn bị đón bão đã cơ bản được triển khai nhưng đây là cơn bão có hướng đi phức tạp nên các địa phương vẫn phải cảnh giác, cập nhật thông tin về đường đi của báo để có phương án đối phó với tình huống bão đổ bộ, sao cho giảm thấp nhất mức thiệt hại. Nghệ An: 1 ngư dân mất tích 15g ngày 28-10 chúng tôi có mặt tại xã ven biển Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) giáp ranh tỉnh Thanh Hóa -nơi dự báo cơn bão số 8 sẽ áp sát. Tại đây mưa khoảng 150mm, gió cấp 6 đến cấp 7. Giữa hàng trăm tàu thuyền trú bão vẫn có ngư dân ra kiểm tra lại hệ thống dây chằng néo tàu thuyền để sẵn sàng đối phó với bão. Trước đó, một trong tám thuyền viên trên tàu NA-90071 TS của ông Võ Văn Hướng đã mất tích trên biển.
Ông Lê Đức Cường, chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, cho biết: "Trong đêm 26-10, trên đường vào bờ trú bão, khi đang ở cách bờ 20 hải lý, ông Hướng đi kiểm tra tàu, phát hiện thuyền viên Hoàng Văn Đông (46 tuổi, trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) đã bị rơi xuống biển. Ngay lúc đó ông Hướng đã liên lạc nhờ hàng chục tàu khác tìm kiếm nhưng không thấy". Vietnam Airlines hủy 62 chuyến bay vì bão số 8 |
(Hải Dương online)