Lịch thiệp với phái đẹp
Đời sống - Ngày đăng : 09:56, 11/11/2012
Người ta hướng dẫn bạn tỷ mỷ nhất từng trường hợp một, từ việc đưa phụ nữ lên xe, xuống tàu đến việc tặng hoa cho bạn gái bạn nên tặng mấy bông và tùy từng trường hợp nên tặng hoa gì. Các nghi thức xã giao đó có vẻ cầu kỳ nhưng thực ra chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tạo điều kiện để phái đẹp thấy rằng: họ được yêu mến, chiều chuộng và tôn trọng.
Trong xã hội ta do nền kinh tế còn thấp kém, đời sống của hầu hết người lao động còn rất khó khăn, lại thêm ảnh hưởng của quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ nên đôi khi sự lịch thiệp với nữ giới được coi là chuyện "nịnh đầm" tiểu tư sản. Ngày nay, nói chung nhiều người không còn đồng tình với quan niệm đó nữa. Người phụ nữ Việt Nam trong điều kiện gian khổ trăm bề hiện nay rất xứng đáng được yêu mến, trân trọng. Sự hưởng ứng sôi nổi của một bộ phận khá đông công chúng đối với các cuộc thi hoa hậu, chứng tỏ vẻ đẹp của người phụ nữ, kể cả vẻ đẹp ngoại hình, đã được người ta đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, ở chỗ này, chỗ kia vẫn còn khá nhiều nam giới đối xử thô bạo đối với phái yếu. Có người sẵn sàng sử dụng ưu thế về thể lực đàn áp phụ nữ. Có người lăng nhục họ giữa nơi công cộng, còn chuyện chen lấn bạt mạng, bất kể người bên cạnh là già hay trẻ, nam hay nữ ở các bến xe, bến tàu hiện vẫn còn phổ biến. Nhiều nam thanh niên có thói quen chỉ nể người quen biết, còn với những người phụ nữ xa lạ thì họ mặc sức trêu chọc, có khi dùng cả những lời sàm sỡ, tục tĩu.
Không chỉ ở ngoài xã hội, ngay trong gia đình nhiều người chồng trẻ cũng không lịch thiệp với chính vợ mình. Một số phụ nữ do được tiếp thu truyền thống nhân hậu, hay nhường nhịn của phụ nữ Việt Nam, đã giành lấy về phần mình hầu hết các công việc trong gia đình, hầu như không hề bắt chồng phải làm bất cứ việc gì. Còn ông chồng quý hóa của họ thì lại rất vô tâm, coi đó là việc đương nhiên của đàn bà, không hề giúp đỡ, thậm chí cũng chẳng thèm bày tỏ lòng biết ơn đối với người vợ hiền thảo của mình. Thực ra những người vợ ấy chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc gấp đôi nếu chồng họ tự nguyện gánh vác công việc gia đình, ít nhất cũng là các công việc nặng nhọc. Người vợ nào chẳng sung sướng khi trao chiếc áo sơ mi mình vừa là phẳng phiu cho chồng lại được anh ta mỉm cười, cảm ơn. Có bạn cho rằng, những lời cảm ơn hay xin lỗi trong gia đình nghe có vẻ lịch sự rởm, nhưng quan điểm đó không đúng. Bởi vì, giao tiếp hằng ngày việc nói những lời cảm ơn, xin lỗi là không bao giờ thừa nếu điều đó xuất phát từ tấm lòng chân thành và ý thức quan tâm đến nhau trong cuộc sống. Rất nhiều người mẹ, người vợ, người chị gái hoặc em gái của chúng ta hàng ngày xứng đáng được nghe những lời cảm ơn như thế.
Sự lịch thiệp, đặc biệt là lịch thiệp trong giao tiếp giữa nam và nữ là một trong những tiêu chuẩn biểu hiện trình độ văn minh của con người hiện đại. Lịch sự tức là tôn trọng mình.
TRẦN THÔNG