Bài thơ hay về nhà giáo
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 15:06, 26/11/2012
Bài thơ sáu khổ, viết theo thể tự do khá niêm luật và chắt lọc. Nhà thơ đến viếng mộ nhà giáo nổi tiếng thời nhà Trần - thầy Chu Văn An (hiện mộ cụ để trên núi Phượng Hoàng, thị xã Chí Linh), cũng như bao người đi viếng mộ. Nhưng có lẽ cái cảm nhận tinh tế của nhà thơ là ở cái chỗ này, đứng thắp hương mà: “Nghe tiếng gió sáu trăm năm thổi lại”. Tiếng gió thổi, hay hồn thầy hiện về, có lẽ cả hai, nên nhà thơ mới nghe mà như thấy hiện lên trước mắt:
Lời thầy giảng bài hòa cùng tiếng suối
Học trò thầy lớp lớp dáng như thông.
Hai khổ thơ tiếp theo như tóm lược “tiểu sử” nhà giáo Chu Văn An cùng tâm trạng của cụ cả đời “lo nấu sử sôi kinh” với ước mong “giữ cho dân điều nhân đức”. Thế nên, dù được triệu vào cung dạy học cho con vua, cháu chúa, sống cảnh lầu son, nhưng cụ vẫn luôn nghĩ tới cuộc sống của người dân còn đang chịu bao cảnh cơ hàn, tăm tối. Khổ thơ tiếp theo, nhà thơ đi sâu đặc tả nhà giáo Chu Văn An khi trở về núi Phượng Hoàng với sự trùng hợp như tiền định: núi Phượng Hoàng lại đón cánh chim phượng hoàng- Chu Văn An về đỗ. Đến đây, người đọc thấy hiện lên một Chu Văn An- nhà giáo dân dã như bao ông già vùng sơn cước, gần gũi mà cao sang như một ông tiên: “Tóc búi tó, áo nâu, chân giày cỏ/Thầy như ông tiên đau đáu nợ trần”. Rồi trường học được dựng lên, học trò gần xa nô nức đến học chữ, nghe như uống lấy từng lời của thầy lúc bình văn, khi giảng sử. Hình ảnh người thầy giáo “Tóc búi tó, áo nâu, chân giày cỏ” với những lời bình văn, giảng sử như rót vào lòng người của thầy, trải mấy trăm năm, hôm nay nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trở lại núi Phượng Hoàng vẫn như thấy:
Mỗi ngọn cỏ, từng gốc cây đều nhớ
Dáng thầy ngồi trầm mặc điện Lưu Quang.
Bởi nhà giáo nổi tiếng Chu Văn An, dẫu sống cách ngày nay hơn sáu trăm năm, nhưng người vẫn là một thầy giáo mẫu mực cho mọi thế hệ nhà giáo Việt Nam nói riêng, nhân dân ta nói chung:
Thầy vằng vặc tấm gương soi mãi mãi
Để đời đời nhân nghĩa ấm lòng dân.
Bài thơ viết tháng 8 - 1998, có lẽ sau một chuyến nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi về viếng thăm mộ nhà giáo Chu Văn An tại núi Phượng Hoàng mới được xây dựng lại. Nhà thơ cũng có dịp suy ngẫm, chiêm nghiệm về một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền giáo dục nước nhà một cách khách quan, sâu sắc và bình dị hơn. Khi đọc: “Gối gỗ mang theo lõm một phần rồi/… Ai thuộc làu kinh sách phỏng ích chi?” có thể cảm nhận được khả năng khái quát thơ của Nguyễn Bùi Vợi đến mức nào. Hoặc khi đọc câu thơ miêu tả thật cụ thể và gợi này: “Tóc búi tó, áo nâu, chân giày cỏ”, ta thấy trong một câu thơ có bảy chữ mà phác họa được cả dáng hình của nhà giáo nổi tiếng và vô cùng giản dị Chu Văn An, thì lại thấy sức liên tưởng của nhà thơ. Và như thế càng thấy “Trước mộ thầy Chu Văn An” quả là một bài thơ hay viết về nhà giáo.
CAO NĂM