Một lần mắc lỗi

Các em viết - Ngày đăng : 06:33, 16/12/2012



Hôm đó là chủ nhật, mẹ được nghỉ làm nên dành cả buổi sáng đi chợ, nấu món bún riêu cua chiêu đãi cả nhà. Mẹ tất bật chạy lên chạy xuống, tay làm việc không ngớt, hết xé cua, lại khêu gạch, rồi giã cua... Tôi chỉ làm chân phụ lấy giúp mẹ cái nọ cái kia mà cũng thấy quay như chong chóng. Lúc ấy, bà hàng xóm sang xin mẹ mấy tờ giấy trắng, mẹ bèn sai tôi vào tủ sách của mẹ lấy giấy. Tôi đang loay hoay tìm quyển vở để lấy mấy tờ giấy trắng, chẳng ngờ một tờ 50 nghìn kẹp trong tập vở ấy rơi ra, liệng như chiếc thuyền rồi hạ cánh xuống nền nhà. Tôi nghe rõ tiếng nhịp tim trong ngực mình đập thình thịch như tiếng trống trường. Trong đầu tôi diễn ra một cuộc khẩu chiến không âm thanh:
- Đây là tiền của mẹ, không được lấy.
- Biết đâu mẹ kẹp vào đây và đã quên nó rồi? Ngày mai đến trường sẽ mua được đồ chơi xếp hình, ăn kẹo cao su, ăn kem thoải mái!
- Lấy tiền của mẹ là sai, là ăn trộm, bố mẹ, thầy cô vẫn dặn dò không được ăn trộm.
- Nhưng mình có lấy đâu, tự dưng nó rơi ra trước mặt mình ấy chứ?

Tôi cúi nhặt tờ 50 nghìn đút vào túi. Cả buổi hôm ấy, tôi cảm thấy cạnh sườn mình nóng ran vì đồng tiền trong túi áo cứ như có lửa hừng hực. Bữa bún riêu cua vốn là món nghiền của tôi vậy mà tôi cảm thấy bữa đó ăn như nhai rơm. Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến tờ 50 nghìn đang định cư trái phép trong túi áo, nghĩ đến những bộ xếp hình, những viên kẹo xanh đỏ... những thứ mà tôi vẫn thèm thuồng khi đi qua cái xe cút kít của bà lão bán hàng ngoài cổng trường...
Sáng sớm hôm sau, tôi nhanh chóng làm mọi thủ tục cá nhân và ăn sáng, rồi sang rủ cái Hạnh đi học. Nó thấy tôi thì ngạc nhiên:
- Sao hôm nay, cậu lại đi gọi người khác chứ không phải đợi người khác gọi thế?
- Đổi mới đấy!
- Nhưng đi sớm quá coi chừng cổng trường chưa mở.
- Cổng trường chưa mở thì mình ở ngoài cổng càng hay… - tôi lấp lửng.

Quả nhiên là cổng trường chưa mở nhưng bà bán hàng thì đã túc trực ở cổng. Tôi đưa tờ 50 nghìn ra mua hàng, mấy túi kẹo cao su và cả kẹo mút, ngậm như mấy anh diễn viên Hàn Quốc, còn chừa que nhựa ra khỏi mồm cho sành điệu. Nhìn bà lão bán hàng phục vụ tôi hết cái nọ đến cái kia, nâng lên đặt xuống khi tôi chưa thấy thích, tôi bỗng thấy có chút gì đó kiêu hãnh, niềm kiêu hãnh cỏn con của một đứa trẻ mà đưa cả một tờ 50 nghìn ra mua quà, niềm kiêu hãnh được lần đầu tiên mời bạn ăn quà bằng “tiền của mình” thay vì phải nuốt nước bọt đi qua như mọi hôm.
Tờ 50 nghìn đồng mới đầu to là thế, vậy mà tôi ăn quà và mua mấy thứ đồ chơi một lúc là hết. Cái Hạnh có hỏi tôi lấy tiền ở đâu ra thì tôi bảo dì cho.

Chẳng ngờ, ngày hôm ấy có bạn ở lớp thưa với cô giáo buổi học trước bị mất tiền. Thế là cô giáo bèn mở cuộc điều tra nhỏ nhưng vẫn không tìm ra tang vật đâu cả. Giờ ra chơi, cái Hạnh kéo tôi ra một góc, nói nhỏ:
- Cậu nói thật đi, tờ tiền sáng nay mua quà đấy, có phải…
Tôi thấy ánh mắt nó đầy nghi hoặc, chắc vụ bạn Thành mất tiền nó “ nghi án” cho tôi, tôi bèn phân bua:
- Không, không liên quan đến vụ cậu Thành mất tiền đâu.
- Vậy cậu lấy tiền ở đâu?

Tôi đành phải kể cho nó nghe với điều kiện bắt nó phải giơ tay “chấm chí” không được nói cho ai biết. Nhưng khi nghe xong thì mặt nó còn nặng nề hơn. Nó dọa:
- Sao cậu lại lấy trộm tiền của mẹ, tớ sẽ mách mẹ cậu cho coi!
- Cậu vừa ăn quà cùng với tớ rồi còn gì.
- Kệ! Lúc thì bảo dì cho, lúc thì bảo lấy của mẹ, không tin cậu được.

Mấy hôm liền, tâm trạng tôi rối bời, tôi lo lắng không học tập ra gì cả. Đến lớp tôi có cảm giác các bạn nhìn mình với ánh mắt khác, cứ như tôi là kẻ trộm vậy, cái Hạnh cũng không thèm rủ tôi đi học nữa. Nhưng Hạnh chưa kịp mách mẹ tôi thì mẹ tôi kiểm tra tủ sách và phát hiện ra mất tiền.
- Ai lấy nhỉ? Mình đã kẹp vào cuốn vở rồi định để tiết kiệm tuần sau sinh nhật mười tuổi con gái để dẫn con đi ăn kem mà.

Tuần sau là sinh nhật tôi và đó là một điều đặc biệt mẹ muốn dành cho tôi. Mẹ vẫn hứa sẽ cho tôi đi ăn kem ký chứ không phải mấy bịch kem tự chế của bà lão bán kem ở cổng trường.
Tôi đang ngồi học nghe mẹ nói thế thì xấu hổ, rồi gục mặt xuống bàn khóc.
- Sao vậy, con mệt à, hay đau bụng sao?

Tôi đành thú nhận là đã lấy trộm tờ tiền để dành của mẹ, mặc cho mẹ có mắng hay đánh đòn cũng được chứ tôi không thể chịu đựng tâm trạng lo lắng, thấp thỏm mãi này nữa. Tôi cũng khóc mà kể rằng cùng hôm đó có bạn mất tiền nên tôi có cảm giác như mình cũng bị liệt vào kẻ tình nghi. Mấy bạn đã không vồ vập với tôi như trước nữa. Tôi khổ tâm quá, học hành chẳng ra gì nữa.
Mẹ đã không đánh tôi mà mẹ nói:
- Đây là lần đầu, mẹ tha lỗi cho con. Nhưng từ lần sau trở đi con không bao giờ được mắc phải lỗi lầm này nữa. Một lần làm việc xấu, mười lần bị nghi ngờ, con thấy khổ chưa?
Đây là một lỗi lầm nhỏ nhưng tôi đã nhận được một bài học lớn.

NGUYỄN MAI HƯƠNG(Thôn Đức Trạch, xã Cẩm Định, Cẩm Giàng)