Ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu năm 2013

Tin tức - Ngày đăng : 16:37, 25/12/2012

Chính phủ đã đề ra 9 nhóm giải pháp chủ yếu trong năm 2013, trong đó xác định ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu.

Dự thảo do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương (25 và 26-12) triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.



Toàn cảnh hội nghị

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường quốc phòng an ninh và ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Mục tiêu hàng đầu

Trong nhóm giải pháp đầu tiên, coi ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành năm 2013, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý.

Điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

Điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng, tập trung khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng; thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để  thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Cụ thể, sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo kế hoạch. Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và  vốn trái phiếu Chính phủ; rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư của Nhà nước, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2013.

Hạn chế tối đa khởi công dự án mới sử dụng ngân sách nhà nước. Kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả, phân bổ và sử dụng vốn không đúng đối tượng. Không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh cấp bách.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất

Nhóm giải pháp này được xác định là trọng tâm, cấp thiết, do vậy sau khi tiếp thu các ý  kiến thảo luận của các Bộ, ngành, địa phương, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề ngay sau phiên họp này.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, giảm lãi suất cho vay, từng bước thu hẹp lãi suất huy động và cho vay. Việc mở rộng tín dụng có hiệu quả phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; xử lý dứt điểm các khoản nợ của ngân sách nhà nước với doanh nghiệp, nợ chéo giữa các doanh nghiệp, nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ xấu đối với các dự án bất động sản; xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ  tập trung chỉ  đạo, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương để thực hiện các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; tập trung xử lý các mặt hàng tồn kho cao, nhất là sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng.

Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục thị trường bất động sản, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung – cầu và tập trung xử lý nợ xấu. Triển khai nhanh, hiệu quả các chương trình nhà ở xã hội. Nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương để rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng cường đầu tư trong các ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh hai nhóm giải pháp ưu tiên nêu trên, năm 2013 Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp khác, bao gồm đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Sau khi tiếp thu ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, các địa phương, Chính phủ  sẽ ban hành Nghị quyết để các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai, thực hiện.

Xuân Tuyến (Chinhphu.vn)