Còn đó những thách thức

Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 26/12/2012

Nhiều người chọn sinh con năm rồng đặc biệt con trai khiến cho việc khống chế tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 và tỷ số giới tính khi sinh rất khó khăn.


Truyền thông nhóm nhỏ cho phụ nữ mang thai ở xã Đồng Quang (Gia Lộc)

Khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã góp phần đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.

Những cách làm hay

Trong năm qua, Đồng Quang là một trong những xã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác dân số - KHHGĐ của huyện Gia Lộc. Các chỉ tiêu quan trọng như: tỷ lệ sinh con thứ 3 là 6,8%, giảm 0,1% so với năm 2011; tỷ số giới tính khi sinh là 125 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 67 bậc. Xã có 7 thôn thì có 3 thôn không có người sinh con thứ 3, trong đó thôn Quang Tiền 17 năm liền không có người sinh con thứ 3, thôn Đông Trại 2 năm liền, thôn Đôn Thư 1 năm. Đồng chí Lã Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Dân số - KHHGĐ xã Đồng Quang cho biết: "Tuy còn là xã khó khăn của huyện nhưng hằng năm, xã vẫn dành một phần kinh phí hỗ trợ cho công tác dân số - KHHGĐ. Xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ. Bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, các cộng tác viên dân số, các ban, ngành, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... đều lồng ghép các nội dung về dân số - KHHGĐ trong các hội nghị, sinh hoạt nhóm. Vì vậy, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt trong những năm gần đây, nhất là giảm được tình trạng phân biệt con trai, con gái, sinh con thứ 3".

Hiện nay, hoạt động truyền thông về nâng cao chất lượng dân số tại huyện Gia Lộc đã được chú trọng từ cấp xã. Thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số, hệ thống truyền thanh, truyền thông nhóm, những phụ nữ mang thai được tư vấn về sàng lọc trước sinh, sơ sinh đúng thời gian quy định. Trong năm qua, huyện Gia Lộc lấy được khoảng 150 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh, vượt chỉ tiêu 50%, trong đó phát hiện 2 mẫu thiếu men G6PD.


Tư vấn sức khỏe sinh sản cho bà mẹ mang thai ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em - KHHGĐ
(Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh).
Ảnh: Thành Chung


Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện cung cấp thông tin, nói chuyện chuyên đề với cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành về quy định cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng và tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh. Qua đó, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện, từ 134 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2011 giảm xuống còn 125 trẻ trai/100 trẻ gái.

Còn đó những thách thức

Thanh Hà cũng là một trong những huyện đứng đầu tỉnh về công tác dân số- KHHGĐ. Một số chỉ tiêu quan trọng như tỷ số giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh, sơ sinh đã đạt kết quả cao. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2012 là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm 15 bậc so với năm 2011. Từ năm 2009 đến nay, huyện luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu sàng lọc sơ sinh, năm nay được 687 ca, vượt chỉ tiêu 96%. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu như tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm nhưng vẫn còn cao và chưa bền vững (năm 2010 là 8,1%, năm 2011 là 6,6%, năm 2012 là 11,3%). Tỷ suất sinh là 14,6%, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2011. Theo ông Mạc Văn Tính, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, năm 2012 là năm có nhiều thách thức đối với công tác dân số - KHHGĐ. Bởi quan niệm của nhiều người dân coi đây là năm "rồng" nên mong muốn sinh thêm con, đặc biệt là sinh con trai khiến cho việc khống chế tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 và tỷ số giới tính khi sinh rất khó khăn.

Đó cũng là thách thức chung đối với công tác dân số - KHHGĐ của tỉnh ta. 3 chỉ tiêu quan trọng gồm: tỷ lệ giảm sinh, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 năm nay đều không đạt chỉ tiêu. Trong đó, tỷ lệ giảm sinh chỉ tiêu là 18%, thực hiện 15%; tỷ số giới tính khi sinh là 121 trẻ trai/100 trẻ gái (mục tiêu là 120/100), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 11%, tăng 2,3% so với năm 2011. Theo ông Phạm Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, tỉnh ta đã đạt mức sinh thay thế thấp và có tỷ suất sinh thấp, do vậy việc tiếp tục giảm sinh ở mức cao là khó thực hiện. Những đề án như sàng lọc trước sinh, sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh mới chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ truyền thông mà chưa có sự hỗ trợ về mặt chính sách như an sinh xã hội, hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái... Các biện pháp nâng cao chất lượng dân số hiện nay mới chú trọng ở giai đoạn chăm sóc đầu đời và chủ yếu dựa vào ngành y tế. Để giải quyết những thách thức trên, giải pháp cần nhất là tập trung tuyên truyền, vận động và giáo dục. Bộ máy và cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ các cấp cần được kiện toàn và củng cố đáp ứng yêu cầu của mô hình tổ chức mới ổn định, chuyên nghiệp hóa và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các đề án, mô hình nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, để công tác dân số - KHHGĐ đạt hiệu quả cao, chất lượng dân số nâng lên thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

MINH HẠNH