Hướng đi mới ở Kim Thành

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:41, 04/01/2013

Củ đậu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất vượt trội, cao hơn 1-1,5 tạ/sào so với củ đậu được trồng theo phương pháp truyền thống...



Nông dân khu C Kim Thành thu hoạch củ đậu chính vụ

Củ đậu là cây trồng truyền thống của nông dân khu C Kim Thành. Để có được củ đậu ngon, tròn trịa, nông dân ở đây đã phải vất vả nhiều khâu, từ làm đất đến trồng và chăm sóc. Nhiều năm trở lại đây, lao động ở các địa phương thường đi làm xa hoặc vào các công ty nên thiếu người làm nông nghiệp. Vì vậy, trong các xóm đã hình thành những nhóm làm đổi công cho nhau. Có nhà trồng 5 sào củ đậu phải nhờ 15-20 người làm hộ. Đất trồng củ đậu phải khô, tơi, xốp, nếu gặp trời mưa thì không làm được.

Những năm trước, nông dân thường lấy giống ở Thái Bình về trồng theo phương pháp truyền thống, củ nhiều múi, khó bóc vỏ, năng suất không cao, chất lượng cũng hạn chế. Từ năm 2011, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Kim Thành đã triển khai thí điểm Đề tài “Xây dựng mô hình thâm canh cây củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP” tại xã Cẩm La, quy mô 1 ha, với 20 hộ tham gia. Mô hình đã đạt hiệu quả cao, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân.

Trồng củ đậu theo hướng VietGAP giúp nâng cao chất lượng củ, ngăn ngừa hóa chất độc hại. Đề tài được thực hiện ở những ruộng bằng phẳng, liền vùng, liền khoảnh, chủ động tưới tiêu nước. Ban chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm La hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thực hiện đồng bộ từ khâu chọn giống đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và cách ghi chép sổ theo dõi. Giống củ đậu được lấy từ miền Nam, vỏ mỏng, củ tròn, nhẵn, cây khỏe. Phun phòng, chống sâu bệnh phải đúng quy trình, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Thế Khánh ở thôn Minh Tiến, xã Cẩm La cho biết: “Trồng củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP không khó mà chất lượng lại bảo đảm. Tôi làm theo các bước hướng dẫn của cán bộ Phòng NN-PTNT nên cây củ đậu sinh trưởng, phát triển tốt. Quan trọng nhất là lúc chọn giống. Tôi tự trồng củ đậu giống, sau đó chọn hạt mẩy, to, đẹp để làm giống. Củ đậu là cây không ưa nước nên hạn chế nước ở rãnh. Từ khi củ đậu ra ngọn đến khi thu hoạch phải bấm ngọn 7-8 lần để chất dinh dưỡng tập trung phát triển củ”. Kết quả cho thấy, củ đậu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất vượt trội, trọng lượng đạt từ 150 - 200g/củ, năng suất ước đạt 2,5-3 tấn/sào, cao hơn 1-1,5 tạ/sào so với củ đậu được trồng theo phương pháp truyền thống.

Từ kết quả trên, năm 2012, Ban chủ nhiệm đề tài đã quyết định mở rộng thêm 19 ha củ đậu trồng theo tiêu chuẩn VietGap ở 3 xã: Đồng Gia (8 ha), Cẩm La (7 ha), Kim Tân (4 ha). Cũng như năm trước, các hộ tham gia được hỗ trợ 30% tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, các phòng chức năng của huyện đã mở nhiều buổi tập huấn kỹ thuật chăm sóc củ đậu theo hướng VietGAP cho bà con nông dân. Ông Nguyễn Đăng Báo ở thôn Đại Đồng, xã Đồng Gia cho biết: “Năm nay, tôi trồng 3 sào củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng chưa nhiều. Đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm còn phụ thuộc vào thương lái, tình hình giá cả thị trường nên chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn. Gia đình tôi rất muốn được mở rộng diện tích trồng củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xúc tiến thương mại để củ đậu Kim Thành sớm có thương hiệu”.

Cứ vào giữa tháng 8, nông dân khu C Kim Thành bắt đầu bước vào trồng củ đậu vụ sớm, sau đó trồng chính vụ. Đến giữa tháng 10, nông dân mới trồng củ đậu muộn. Củ đậu muộn sẽ được bà con thu hoạch đến hết tháng 2 năm sau. Thời điểm này, nông dân ở các xã khu C Kim Thành đang vào mùa thu hoạch củ đậu chính vụ. Xe tải lớn, nhỏ nối đuôi nhau xếp hai bên đường sẵn sàng đón từng gánh củ đậu để tiêu thụ đi khắp nơi. Bình quân, mỗi ngày thương lái đến đây thu mua hơn 200 tấn củ đậu. Hiện tại, củ đậu đang được bán với giá 4.500-5.000 đồng/kg, cao hơn năm trước 1.500-2.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 7-8 triệu đồng/sào. Mỗi năm, các xã ở đây thu 40-60 tỷ đồng từ cây củ đậu. Ông Nguyễn Viết Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Kim Thành cho biết: Có rất nhiều hộ muốn đăng ký tham gia đề tài nên việc mở rộng diện tích trồng củ đậu theo tiêu chuẩn VietGAP không khó. Phòng đã tham mưu cho các cơ quan chức năng, Sở Khoa học và Công nghệ để xin hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc và quan tâm xúc tiến thương mại nhằm sớm có thương hiệu cho củ đậu Kim Thành.

MINH NGUYỆT