Nạn "cát tặc" ở Thanh Hà
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:29, 06/01/2013
Trong đợt cao điểm ra quân, kiểm tra xử lý nghiêm việc KTCTP, huyện Thanh Hà đã bắt giữ 27 tàu, xử phạt hành chính 253 triệu đồng..
Ngày 27-12-2012, các lực lượng chức năng huyện Thanh Hà bắt giữ 4 tàu khai thác cát
trái phép trên sông Văn Úc, thuộc xã Vĩnh Lập. Ảnh: Tuấn Vững
Thanh Hà hiện có 21 phương tiện thủy nội địa, khai thác cát trên sông. Trong đó có 9 phương tiện xi-măng lưới thép và 12 tầu thép. Các phương tiện tập trung ở 6 xã trên địa bàn huyện, riêng xã Thanh Hải có tới 10 phương tiện. Các phương tiện này đều chưa được cơ quan chức năng đăng kiểm, cấp phép hành nghề khai thác cát. Tuy nhiên, nhiều phương tiện có thể chở 500 m3 cát, sử dụng 8 máy hút công suất lớn, đường kính ống hút tới 150 - 200 mm khoáy sâu xuống lòng sông hoặc sục sâu vào bãi bồi hút cát lên thuyền với tốc độ nhanh. Thời gian trước đây, các tàu thường hút lẻ, song gần đây thường tụ tập thành đoàn 4 - 6 tàu nhằm dễ bề chống đối hoặc hy vọng các lực lượng chức năng mỏng, chỉ bắt được 1 - 2 tàu, các tầu khác có cơ hội bỏ chạy. Việc khai thác cát trái phép (KTCTP) diễn ra nhức nhối trên các tuyến sông, nhất là các sông: Thái Bình, Văn Úc và Mía. Các tàu khai thác cát trên sông ở Thanh Hà gồm cả tàu thuyền trong, ngoài huyện và cả tỉnh ngoài. Cát tặc lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ, ngày lễ để khai thác. Chúng dựa vào địa bàn các huyện lân cận và TP Hải Phòng để khai thác và trốn chạy khi các lực lượng chức năng truy đuổi.
Cùng với nạn "cát tặc", hoạt động của các bến bãi trên địa bàn huyện Thanh Hà cũng có nhiều vi phạm. Toàn huyện hiện có 47 bến bãi ven sông, nhưng chỉ 7 bến là có giấy phép hoạt động do UBND tỉnh cấp, 40 bến còn lại hoạt động trái phép. Hiện 3 trong số 7 bến bãi có giấy phép đã hết hạn hoạt động. Những bến bãi hoạt động chưa đủ thủ tục pháp lý, có một số bến chứa nhiều vật liệu, hoạt động sôi động nhất ở khu vực các xã: Thanh Hồng, Thanh Cường và Vĩnh Lập. Các bến bãi này chủ yếu tập kết cát đen ở trong đê. Cát được hút từ các tàu dưới sông qua đê vào trong đồng. Một số bến lớn này của Công ty TNHH Đồng Anh và của một số tư nhân. Diện tích mỗi bến rộng tới 2 - 3 ha, cát được chất cao từ 3 - 5 m, hàng chục ô- tô lớn nhỏ vận chuyển thường xuyên phục vụ thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng qua địa bàn huyện Thanh Hà.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cát tặc" lộng hành và bến bãi vi phạm tràn lan là do việc xử lý của huyện chưa hiệu quả. Ông Lê Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: "Việc tuần tra, bắt giữ tàu KTCTP trên sông hiện nay rất nguy hiểm. Có nhiều công an viên thức đêm trực trên đê nhưng không được hưởng phụ cấp. Vì thế, dân quân, công an xã và các đoàn thể không còn nhiệt tình. Việc huy động thanh niên tham gia vào lực lượng cũng khó, nhiều người đùn đẩy trách nhiệm do công việc này quá nguy hiểm. Họ sợ bị các chủ tàu trả thù, ảnh hưởng đến gia đình”. Trong khi đó, nhiều chủ tàu KTCTP tái phạm do lợi nhuận từ cát cao mà mức phạt lại rất thấp. Phương tiện bắt giữ tàu KTCTP còn thiếu, yếu, một số người dân làm nghề thuyền chài được lực lượng liên ngành nhờ thuyền đi bắt cát tặc không được hỗ trợ thù lao, nên họ không nhiệt tình. Việc chỉ đạo bắt giữ tàu KTCTP ở huyện Thanh Hà cũng không cơ động, còn rườm rà, hình thức, tạo lỗ hổng cho tàu hút cát rút chạy. Nhiều người dân ở ven sông cho biết, khi lực lượng liên ngành xuống đến nơi phải chờ khoảng 30 phút cho đủ lực lượng mới xuất phát bắt tàu. Trong khi các tàu đã bố trí một số người đứng trên đê để thăm dò lực lượng chức năng đi kiểm tra và báo cho các chủ tàu rút chạy, nên khi lực lượng ra đến nơi thì không kịp. Muốn bắt được các tàu này phải phản ứng nhanh, phải có chuyên môn và có xuồng máy. Tuy nhiên, cả huyện Thanh Hà chỉ có một xuồng máy của Trạm Cảnh sát đường thuỷ Kênh Đồng, huy động mất nhiều thời gian, dẫn đến việc phòng, chống cát tặc chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Lực lượng liên ngành còn mỏng, chưa được tập huấn kinh nghiệm sông nước, trong khi các tàu hút cát được trang bị những máy móc hiện đại, hoạt động rải rác ở các đoạn sông cũng gây khó khăn cho việc phòng, chống cát tặc.
Ra quân quyết liệt
Với nhiều vi phạm trong hoạt động bến bãi và KTCTP như vậy nên cuối tháng 10- 2012, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Thanh Hà đã ra chỉ thị, công văn yêu cầu Đảng bộ, chính quyền các xã, thị trấn, đặc biệt là các xã ven đê ra quân quyết liệt trong kiểm tra, xử lý các bến bãi vi phạm và KTCTP. UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống và xử lý KTCTP do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, 2 tổ kiểm tra xử lý hoạt động bến bãi, 2 tổ kiểm tra, xử lý KTCTP; xây dựng kế hoạch hoạt động trong đợt cao điểm ra quân xử lý từ ngày 15-11 đến ngày 31-12-2012.
Ông Nguyễn Văn Vững, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Thanh Hà cho biết: Những ngày cuối năm 2012, các tổ kiểm tra của huyện làm việc liên tục, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ và đã bắt giữ hàng chục tàu thuyền KTCTP. Trong những ngày nghỉ Tết dương lịch 2013, lực lượng liên ngành trực, tuần tra kiểm soát, bắt giữ 2 tàu trên địa bàn xã Thanh Cường, thu ống hút cát và xử phạt hành chính…
Trong đợt cao điểm ra quân, kiểm tra xử lý nghiêm việc KTCTP, huyện Thanh Hà đã bắt giữ 27 tàu, xử phạt hành chính 253 triệu đồng. Trước đó, huyện đã chuyển hồ sơ một vụ việc phức tạp cho cơ quan điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can chống người thi hành công vụ với chủ tàu Đoàn Văn Tới (ở TP Hải Dương) đang tổ chức hút cát trái phép ở bãi Nhì (xã Phượng Hoàng).
Huyện đã tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động của 47 bến và thống nhất quy hoạch 24 bến bãi, trong đó có 22 bến phục vụ phát triển kinh tế- xã hội lâu dài trên địa bàn huyện, 2 bến tạm, đáp ứng yêu cầu trước mắt cho việc tập kết vật liệu xây dựng đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tổ chức họp với các chủ bến bãi, yêu cầu các bến bãi chưa đủ thủ tục hành chính dừng việc tiếp nhận vật liệu. Yêu cầu chủ các bến có phép phải nhập vật liệu rõ nguồn gốc. Với các bến không thuộc diện quy hoạch, huyện gửi thông báo đình chỉ hoạt động bến bãi, giải tỏa toàn bộ vật liệu trước ngày 31-12-2012. Đến hạn, đã có 3 bến giải phóng toàn bộ vật liệu, 10 bến giải phóng 70%, các bến còn lại giải phóng dưới 70%. Huyện cũng yêu cầu chủ các bến trong quy hoạch khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình các ngành chức năng và UBND tỉnh xin cấp phép hoạt động. Đến ngày 31-3-2013, bến nào chưa được cấp phép sẽ không cho hoạt động tiếp.
Ông Phan Nhật Triết, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho rằng, để thực hiện tốt việc quản lý bến bãi, ngăn chặn tình trạng KTCTP thì phải duy trì thường xuyên việc kiểm tra, xử lý. Theo đó, cần một lực lượng đủ mạnh, có chuyên môn và được trang bị đầy đủ hơn, có kinh phí hoạt động. Kiên quyết hơn với các chủ bến bãi trong việc hoàn thiện thủ tục mở bến, các khoản nộp ngân sách; xử lý nghiêm việc thu mua cát không rõ nguồn gốc, có phương án hoàn thổ với các bến tạm. Tỉnh cũng cần sớm cho phép khai thác các mỏ cát để đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đường cao tốc, các khu công nghiệp, khu dân cư mới.
TRẦN TUẤN - MINH NGUYỆT