Khách hàng chưa đồng tình
Thị trường - Ngày đăng : 05:57, 08/01/2013
Thay vì để tiền trong thẻ như trước kia, khách hàng sẽ rút tiền một lần để tránh mất phí. Như vậy, mục tiêu hạn chế sử dụng tiền mặt sẽ bị ảnh hưởng...
Nhiều khách hàng không đồng tình với việc thu phí rút tiền từ máy ATM
Công nhân thấy thiệt
Ngay trước cổng Công ty TNHH PNG Việt Nam, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), gần chục công nhân đang đứng xếp hàng chờ rút tiền ở máy ATM duy nhất đặt cạnh cổng công ty. Chị Nguyễn Thị Vân, công nhân phân xưởng may của công ty cho biết: “Hôm nay, công ty trả lương, tôi đi rút tiền để trả tiền nhà và chuẩn bị đi dự đám cưới bạn. Lương của tôi nếu chi tiêu tiết kiệm cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng tháng. Do an ninh ở khu trọ không tốt, mang tiền theo người không yên tâm nên tôi thường xuyên để tiền trong thẻ. Vì vậy, mỗi tháng, tôi phải rút tiền từ 3 - 4 lần. Bây giờ, nếu mỗi lần rút tiền lại phải mất phí, có lẽ tôi sẽ phải rút hết một lần hoặc chịu khó ra ngân hàng rút trực tiếp cho tiết kiệm”.
Cùng suy nghĩ như chị Vân, chị Hoàng Hải Anh, công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) cho biết: “Với mức thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, tôi chỉ dám chi tiêu khoảng 2,5 triệu đồng cho các khoản nhà trọ, ăn uống, dự lễ cưới... Số tiền còn lại tôi để trong thẻ ATM phòng lúc rủi ro hoặc thỉnh thoảng gửi về hỗ trợ gia đình. Vì ở trọ một mình, mỗi lần muốn chi tiêu, tôi cũng chỉ rút đủ số tiền mình cần dùng. Bây giờ, nếu ngân hàng thu phí khi rút tiền, chắc tôi phải trực tiếp đến quầy giao dịch của ngân hàng để rút”.
Nhiều công nhân cho rằng, nếu áp dụng mức thu phí như quy định, mỗi tháng, một công nhân sẽ mất khoảng 10 - 15 nghìn đồng cho việc rút tiền, xem thông tin trong tài khoản và in sao kê. Chưa kể nếu có việc phải chuyển khoản, số tiền sẽ lớn hơn. Với 3.000 đồng/lần giao dịch tưởng rất nhỏ, nhưng có người mỗi lần chỉ dám rút khoảng 100 nghìn đồng, thì lệ phí đã chiếm 3%. Còn nếu tính hàng chục nghìn công nhân trong các khu công nghiệp, tổng số phí thu được lại không hề nhỏ.
Ngân hàng kêu lỗ
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hải Dương hiện có 29 máy với hơn 135 nghìn thẻ ATM. Theo người phụ trách dịch vụ thẻ của Agribank Hải Dương, để duy trì hoạt động của máy ATM, mỗi tháng, Agribank phải bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn cho việc thuê bảo vệ, thuê địa điểm, duy trì hoạt động của ca-mê-ra giám sát, đường truyền, tiền điện, điều hòa... Ngoài ra, ngân hàng còn duy trì một xe chuyên dùng và từ 3 - 4 nhân viên cũng như tiền thuê bảo vệ áp tải. Mỗi máy cũng cần từ 1 - 1,2 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Riêng tiền lãi hằng tháng của lượng tiền nằm trong máy ATM cũng rất lớn. Đó là chưa kể tới việc ngân hàng phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hỏng hóc...
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hải Dương cũng cho rằng, hằng tháng BIDV phải mất một khoản phí khá lớn để duy trì hoạt động của gần 30 máy ATM với trên 60 nghìn thẻ đã phát hành. Tuy nhiên, trên 70% số chủ thẻ là học sinh, sinh viên và công nhân các khu công nghiệp. Qua thống kê hằng tháng, số dư tài khoản trong thẻ ATM của những khách hàng này rất thấp. Nhiều khách hàng thậm chí chỉ để số dư tối thiểu duy trì thẻ. Để duy trì giao dịch bình thường, mỗi máy, BIDV phải có một lượng tiền mặt lớn, cộng với một lượng tiền dự trữ. Vì vậy, số tiền mà ngân hàng có thể sử dụng để cho vay lấy lãi chỉ còn một phần nhỏ trên tổng số dư tiền gửi của khách hàng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hải Dương có số lượng máy và thẻ ATM lớn nhất với 42 máy ATM và hơn 200 nghìn thẻ. Theo người phụ trách dịch vụ thẻ của Vietcombank Hải Dương, mỗi tháng chi nhánh phải bỏ ra từ 20 - 25 triệu đồng cho duy trì hoạt động của các cây ATM và đơn vị đang chịu lỗ khi duy trì loại hình dịch vụ này.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 210 máy ATM với gần 500 nghìn thẻ. Trung bình, mỗi tháng, một người giao dịch trung bình từ 2 - 3 lần, chưa kể vấn tin tài khoản, in sao kê, chuyển tiền... Ngoài phí giao dịch nội mạng, khách hàng còn chịu 100 nghìn đồng phí phát hành thẻ mới và phí duy trì thường niên có thể lên tới 60 nghìn đồng/năm. Như vậy, số tiền thu được từ khoản phí giao dịch này là rất lớn. Việc các ngân hàng thu phí rút tiền nội mạng để bù đắp chi phí có thể hiểu được trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, điều mà người dân băn khoăn là liệu chất lượng dịch vụ có tăng lên, có tương xứng với số phí thu của người dân hay không. Bởi mọi người đã quá quen với cảnh các cây ATM nhếch nhác, thường xuyên hết tiền hoặc báo lỗi, nhất là các dịp lễ, Tết... Thậm chí, có ý kiến lo ngại ngân hàng sẽ khống chế số tiền rút thấp để buộc người dân phải rút tiền làm nhiều lần.
Trước chủ trương thu phí giao dịch nội mạng, thay vì để tiền trong thẻ như trước kia, khách hàng sẽ rút tiền một lần để tránh mất phí. Như vậy, mục tiêu hạn chế sử dụng tiền mặt của NHNN sẽ bị ảnh hưởng. Thời gian tới, kế hoạch tăng số lượng thẻ phát hành sẽ khó đạt khi khách hàng bắt đầu e ngại làm thẻ mới, mặc dù sử dụng thẻ ATM luôn có tính an toàn và tiện lợi. Những băn khoăn của khách hàng cần được ngành ngân hàng quan tâm.
VỊ THỦY