Vàng miếng vẫn được mua bán khắp nơi

Thị trường - Ngày đăng : 06:11, 11/01/2013

Mặc dù không công khai nhưng nếu có nhu cầu, các cửa hàng không được phép kinh doanh vẫn đáp ứng nhu cầu vàng miếng cho người mua...


Ngân hàng TMCP Á Châu chuẩn bị đầy đủ điều kiện phục vụ giao dịch vàng miếng của người dân

Các tiệm vàng vẫn mua bán vàng miếng

Tại một cửa hàng vàng bạc trên phố Phạm Ngũ Lão, tôi lấy lý do không bán được vàng miếng ở các cửa hàng khác, nên phải nhờ cửa hàng mua giúp, bà chủ cửa hàng vồn vã: "Cứ mang đến đây, bao nhiêu cũng mua". Khi hỏi giá cả thế nào, bà chủ bảo cứ mang vàng đến, sau khi xem rồi mới tính giá được. Tuy nhiên, bà chủ cửa hàng cũng tiết lộ: "Vàng SJC mua vào khoảng 4 triệu 580 nghìn đồng/chỉ. Vàng của các thương hiệu khác như AAA, PJC... rẻ hơn  từ 1 - 2 triệu đồng/chỉ".

Cửa hàng vàng K.H trên đại lộ Hồ Chí Minh cũng sẵn sàng mua vàng miếng với bất cứ số lượng và chủng loại. Vàng SJC có giá 4 triệu 570 nghìn đồng/chỉ mua vào và 4 triệu 590 nghìn đồng/chỉ bán ra. Trong khi đó, vàng của các thương hiệu khác như AAA, PNJ, ACB, SBJ... lại được mua với giá thấp hơn từ 1,5 - 2 triệu đồng/chỉ.

Không chỉ bán vàng miếng một cách dễ dàng, khách hàng muốn mua vàng miếng đều được các cửa hàng vàng đáp ứng. Tại cửa hàng vàng H.Y trên phố Lý Thường Kiệt, mặc dù không thấy trưng bày vàng miếng, nhưng khi biết tôi muốn mua 1 cây vàng hiệu SJC để cất giữ, bà chủ cửa hàng nói muốn mua nhiều nữa cửa hàng cũng có. Khi tôi đề nghị được xem vàng trước, bà chủ tỏ ý nghi ngại và nói: "Lúc nào quyết định mua thì xem, vàng lúc nào chẳng có, SJC là SJC, lo gì?". Vàng hiệu SJC của cửa hàng này có giá 4 triệu 630 nghìn đồng/chỉ bán ra, cao hơn nhiều so với các cửa hàng khác.


Chiều 10-1 hầu hết các tiệm vàng đều không còn bày vàngmiếng nhưng nếu khách hàng hỏi mua thì vẫn bán
Ảnh: Hạo Nhiên

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các cửa hàng đều không bày vàng miếng, nhưng đều có thể đáp ứng nhu cầu của khách bất cứ lúc nào. Giá cả ở các cửa hàng này không theo quy định nào. Mỗi cửa hàng có một giá mua bán khác nhau. Nếu so với giá niêm yết của các ngân hàng được phép kinh doanh vàng, giá của các cửa hàng vàng chênh lệch khá lớn, từ 20 - 50 nghìn đồng/chỉ mua vào và 50 - 70 nghìn đồng/chỉ bán ra. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng vàng đã bán nhẫn tròn trơn các loại nhằm đáp ứng nhu cầu cất giữ vàng của người dân. Chị Lê Thị Oanh, chủ cửa hàng vàng Hải Hồng, số 48 Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết: "Từ gần 1 tuần nay, cửa hàng ngừng giao dịch vàng miếng. Ngay từ tháng 4 - 2012, khi Nghị định 24 của Chính phủ ra đời, nhiều khách hàng đã đến cửa hàng đổi sang vàng SJC hoặc mua đồ nữ trang để cất giữ. Thói quen cất giữ vàng của người dân chưa dễ gì thay đổi được, không mua được vàng miếng, người dân sẽ chuyển sang đồ trang sức, bởi đây vẫn là kênh cất giữ tiền an toàn trong bối cảnh kinh tế càng ngày càng khó khăn".


Các ngân hàng đã sẵn sàng

Theo Nghị định 24 của Chính phủ, tỉnh ta có 8 ngân hàng đủ các điều kiện hồ sơ, thủ tục theo quy định, được phép kinh doanh mua bán vàng miếng với 15 điểm giao dịch. Ông Đỗ Trung Cường, Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chi nhánh Hải Dương cho biết, ACB Hải Dương đã tổ chức kinh doanh vàng miếng từ lâu và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, khi Nghị định 24 của Chính phủ có hiệu lực, ACB Hải Dương đã triển khai đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, con người cũng như tuyên truyền, quảng bá để người dân biết rõ các điểm được phép giao dịch mua bán vàng miếng, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, người dân có nhu cầu mua, bán vàng miếng tại các ngân hàng đang gặp không ít khó khăn. Theo quy định mới, số lượng các đơn vị được phép kinh doanh mua bán vàng miếng và các điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh đã giảm rất nhiều. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ còn 15 điểm giao dịch so với trên 240 điểm trước kia. Toàn tỉnh chỉ có 5 trong tổng số 12 huyện, thị xã, thành phố có điểm giao dịch là: Kinh Môn, Bình Giang, Kim Thành, TP Hải Dương và thị xã Chí Linh. Vì vậy, việc đi lại, giao dịch của người dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc nhận biết các đơn vị được phép kinh doanh mua bán vàng miếng và các điểm giao dịch cũng không hề dễ dàng. Chưa có dấu hiệu nào để người dân nhận biết các điểm giao dịch của các ngân hàng được phép mua, bán vàng miếng. Hầu hết các ngân hàng cũng chưa treo biển "Điểm kinh doanh vàng miếng" và còn "lẫn" trong quầy tín dụng. Đây là những vấn đề cần được các đơn vị khắc phục nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Bài, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Nghị định 24 ra đời nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế, từ đó có giải pháp hợp lý nhằm huy động nguồn lực vàng trong dân, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Cũng theo Nghị định này, hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.


VỊ THỦY