Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Thị trường - Ngày đăng : 16:48, 11/01/2013
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm năm 2013 của ngành Công Thương diễn ra ngày 11-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp mà ngành cần thực hiện, thiết thực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển thị trường trong nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu ngành Công thương
phải có các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, năm 2012, trước những biến động, khó khăn của kinh tế thế giới, thị trường trong nước vẫn tiếp tục phát triển, trở thành chỗ dựa tin cậy cho hàng hóa Việt Nam. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2012 ước đạt hơn 2.324 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, năm 2012, hoạt động xuất khẩu đạt kết quả khá, tăng trưởng cả về quy mô xuất khẩu và tốc độ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu đề ra (13%). Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2012 ước đạt 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2011. Do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của nhập khẩu nên cán cân thương mại năm 2012 đã nghiêng về xuất siêu, ước xuất siêu cả năm là 284 triệu USD, bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2013, ngành Công thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 126,1 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012; tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 136 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2012. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 8%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2013 ước đạt khoảng 2.742.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2012.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bên cạnh việc khẳng định những những kết quả mà ngành Công thương đạt được trong năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần cần phải tập trung khắc phục. Trong đó vấn đề nổi lên là lĩnh vực công nghiệp còn hạn chế về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, mức độ gia công còn cao, chưa đầu tư nhiều để phát triển theo chiều sâu; công tác quản lý thị trường còn nhiều bất cập; hàng tồn kho còn cao;...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công thương tăng cường công tác giải trình, giải đáp, nhất là phải công khai, minh bạch về giá xăng dầu, điện; thực hiện giá điện, giá xăng dầu theo giá thị trường… |
Vì vậy, ngành Công thương cần quyết liệt triển khai ngay từ đầu năm các giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, trước hết là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương cần tăng cường phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng để kịp thời nắm bắt tình hình định hướng thị trường tiêu thụ và phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, rà soát các quy định của pháp luật, loại bỏ các quy định đang gây trở ngại cho sản xuất kinh doanh …
Cùng với đó là, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu; coi nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo tình hình trong nước và quốc tế; tận dụng mọi khả năng để tăng mức xuất khẩu trên tất cả các thị trường đã có cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có sức mua lớn nhưng tỷ trọng còn thấp; tăng cường thâm nhập các thị trường mới.
Thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm; từng bước chuyển từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Ngành Công thương tiếp tục tập trung phát triển thị trường đi liền với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; làm tốt công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm sai phạm; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng. Bảo đảm hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới gắn với kiểm soát về giá cả hàng hóa, không để khan hàng, sốt giá, chú ý quan tâm cung cầu hàng hóa cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tăng cường bình ổn giá, bởi đây là giải pháp quan trọng vừa có lợi cho người dân, vừa góp phần vào kiểm soát lạm phát. Thủ tướng lưu ý ngành Công thương phải là một trong những ngành đi đầu trong tái cơ cấu doanh nghiệp và tạo chuyển biến tích cực trong quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc (Chinhphu)