Có kế hoạch và biết tích lũy

Tin tức - Ngày đăng : 15:40, 13/01/2013

51 năm trước, ngày 13-1-1962, dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn về ngân sách nhà nước, Bác Hồ nêu nguyên tắc tăng thu, giảm chi và nhấn mạnh:


“Cái gì cần tập trung thì tập trung, cái gì giảm được thì kiên quyết giảm. Làm sao cho dưới thông, dân thông”. Bác đề nghị làm sao cho mọi việc thiết thực, lợi chung, phải quản lý chặt, tránh lãng phí, tham ô.

Sản xuất là một quá trình với các chu kỳ đan xen vào nhau trong hệ thống kinh tế, thực hành tiết kiệm ở trong các khâu của quá trình tái sản xuất bao gồm: đầu tư, chi phí đầu vào, ra của sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất, trong phân phối và trong tiêu dùng. Trong chu trình này, Bác Hồ khuyên mọi người đều phải tiết kiệm để tích luỹ và tăng năng suất lao động “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm tức là đủ” nhờ đó mà “nghèo trở lên đủ, đủ trở lên giàu, giàu thì giàu hơn”.

Trong công tác kế hoạch hoá, để xây dựng hoàn thành kế hoạch, Bác Hồ yêu cầu kế hoạch một phần thì biện pháp phải ba phần. Người đề nghị xây dựng “Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm” và “Lề lối làm việc: Mọi việc bất kỳ to nhỏ, phải có kế hoạch, phải bàn bạc kỹ, phải giải thích cho dân hiểu rõ sao cho dân vui vẻ làm. Hết sức tránh bệnh quan liêu, bệnh mệnh lệnh”.

Người từng có các bài viết, bài nói chuyện tại các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, nông trường, công trường, hộ sản xuất thủ công nghiệp về hạch toán kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất và thực hành tiết kiệm... Theo Bác, thực hành tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, để dần dần nâng cao mức sống của nhân dân; tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, để cải thiện đời sống nhân dân.

Bác coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, một phương pháp của chế độ kinh tế, không phải chỉ nước nghèo mới thực hành tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng phải tiết kiệm. Người còn chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Đối với công chức Người khuyên “Phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong sở, chớ phao phí giấy má và các thứ của công”.

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trong sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan tâm đến người lao động trong bối cảnh đất nước hiện nay, mới thấy hết sự sâu sắc, tinh tế và thấm đẫm tính nhân văn trong tư tưởng của Người. Ngày nay, thực hiện việc đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển vì nhân dân và do chính nhân dân thực hiện, đó là mục tiêu của Đảng ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

HOÀNG YẾN(biên soạn)