Nhiều vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Hồng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:15, 14/01/2013
Tân Hồng là một trong 5 xã của huyện Bình Giang được UBND tỉnh chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1 (2011-2015).
Chính quyền xã Tân Hồng bất lực trước việc một số doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang)
xả nước thải xuống ruộng gây ô nhiễm
Ngay từ đầu đã được cán bộ, nhân dân đồng tình, phấn khởi. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện các bước theo đề án xây dựng NTM lại phát sinh một số vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ.
Đầu tiên là vướng mắc về nguồn vốn. Để hoàn thành các tiêu chí, Tân Hồng cần số vốn lên tới 151 tỷ đồng. Trong đó, từ ngân sách xã dự kiến khoảng 74 tỷ đồng, đề nghị ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ 28 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ sự đóng góp của nhân dân và các nguồn khác. Song do đời sống người dân còn thấp nên việc huy động đóng góp trong một thời gian ngắn với số tiền lớn rất khó khăn. Nguồn vốn của xã chủ yếu lấy từ nguồn đấu thầu đất. Nhưng từ ngày 1-7-2012, Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa có hiệu lực thì việc huy động vốn từ nguồn này bế tắc. Do khó khăn về nguồn vốn nên nhiều công trình cần cải tạo hoặc xây dựng mới không triển khai được.
Công tác quy hoạch xây dựng NTM và làm đường giao thông ở Tân Hồng cũng có nhiều khó khăn. Do nhân dân đã sinh sống lâu đời, các công trình (chủ yếu là nhà ở) xây dựng sát ra mặt đường nên không thể mở rộng được đường trong làng, nhất là đường ngõ, xóm. Đối với đường nội đồng, muốn làm đẹp, phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất, những cánh đồng mẫu lớn thì phải tổ chức dồn điền, đổi thửa. Tuy nhiên, việc này chưa có chủ trương, kinh phí nên khó thực hiện.
Huyện đã phê duyệt quy hoạch xây dựng các công trình như sân vận động, nhà văn hóa, thư viện... tại khu trung tâm của xã, nhưng diện tích cần sử dụng đều là ruộng cấy lúa 2 vụ. Xã đang rất lúng túng trong thực hiện các hạng mục, vì theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa thì trường hợp này có được thu hồi để triển khai dự án không, nếu được thì cấp nào được phép phê duyệt? Nếu mở rộng đường giao thông nội đồng lấn vào ruộng lúa thì có được không?...
Theo quy định, hệ thống điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Hiện nay, xã đã bàn giao toàn bộ lưới điện cho ngành điện quản lý. Việc nâng cấp, cải tạo do ngành điện đảm nhiệm, xã không tự làm được. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ với ngành điện thì sẽ khó thực hiện tiêu chí này nhưng ngành điện hiện chưa tham gia thực sự vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Theo Thông tư 54/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM thì các tỉnh đồng bằng phải có đủ trang thiết bị nhà văn hóa, như: bàn, ghế, tủ, thiết bị âm thanh, ánh sáng, thông gió, đài truyền thanh... Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ và văn bản số 14355 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghị quyết này thì gói hàng từ 100 triệu đồng trở lên phải tạm dừng mua sắm, cấp tỉnh lại quy định mức thấp hơn. Đến nay, địa phương chưa tìm ra hướng giải quyết.
Đối với tiêu chí về môi trường thì theo Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT, kể cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã nếu để ô nhiễm môi trường, tiêu chí này sẽ không đạt. Nhưng theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ thì UBND cấp xã không có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ sản xuất hoặc di dời địa điểm sản xuất của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vẫn gây ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành tiêu chí. Do đó, các ngành chức năng cần quy định rõ các cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã.
Không chỉ tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, môi trường mà tiêu chí 17 về nghĩa trang cũng đang có vướng mắc, địa phương khó thực hiện. Theo Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định. Tuy nhiên, hầu hết các nghĩa trang ở các thôn đều đã sử dụng từ lâu, mộ cát táng không theo hàng lối, lộn xộn. Nếu để nghĩa trang cũ sẽ không đạt tiêu chí này, quy hoạch mới thì quỹ đất khó khăn, lại vướng vào quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Để xã Tân Hồng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào năm 2015, đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, xem xét các vướng mắc trên, có hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp.
DƯƠNG HỮU NỘI - Chủ tịch UBND xã Tân Hồng