Cán bộ phải am hiểu đời sống

Tin tức - Ngày đăng : 18:22, 24/01/2013

Khi đi thăm chợ, Người đứng ngắm quang cảnh nhộn nhịp, tấp nập người mua, kẻ bán chen chúc ở đầu chợ Bắc Qua, rồi Bác ngoặt sang trái rẽ vào chợ Bắc Qua...


Sáng 24-1-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ quần áo gụ đã bạc màu, ngoài khoác chiếc áo mưa vải bạt, cổ quàng khăn, mắt đeo kính trắng, chân đi dép cao su cùng với hai cán bộ cảnh vệ thăm chợ Tết Đồng Xuân (Hà Nội). Chuyến đi chợ Tết sáng ba mươi chỉ kéo dài khoảng một giờ, nhưng đủ giúp Bác Hồ quan sát một cách thực tế mức sống của đồng bào và tình hình kinh tế của Thủ đô Hà Nội.

Khoảng một tuần lễ trước Tết Nguyên đán, Bác Hồ trao đổi với Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch báo cho Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, Tết này Bác muốn đến thăm chợ Đồng Xuân. Sau đó, Bác nói thêm với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, sở dĩ Người có ý định đến chợ Đồng Xuân vì đây là một khu thương mại sầm uất tấp nập, nhộn nhịp nhất ở Hà Nội. Qua cảnh mua bán ấy, Người sẽ thấy lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết và sức mua của người dân như thế nào, thành phố có đáp ứng được nhu cầu của đồng bào ta không?

Khi đi thăm chợ, với dáng vẻ thư thái, Người đứng ngắm quang cảnh nhộn nhịp, tấp nập người mua, kẻ bán chen chúc ở đầu chợ Bắc Qua, rồi Bác ngoặt sang trái rẽ vào chợ Bắc Qua. Chợ Bắc Qua lúc này đông nghẹt, đường vào chợ chật như nêm. Sau một lúc quan sát cảnh hàng hóa chợ Tết bày la liệt đầy ắp, đồng bào vui vẻ mua bán sắm sửa, Bác tỏ ý rất vui. Sau đó, Bác mới qua chợ Đồng Xuân. Vào trong chợ, Bác đi chậm lại, có lúc dừng hồi lâu trước một số quầy hàng tạp hóa, đồ dùng gia đình, quần áo may sẵn và cửa hàng thực phẩm của mậu dịch quốc doanh thời bao cấp để biết giá cả và thấy sức mua sắm của người dân. Khi đến thăm chợ hoa, Người định mua một bó huệ, nhưng đồng chí cảnh vệ sợ lộ bí mật nên trả giá quá rẻ để "rút lui". Người nói vui: "Trả giá như chú, cả ngày đi chợ cũng chẳng mua được gì!".

Trong điều kiện hiện nay, các cán bộ lãnh đạo có rất nhiều thông tin phục vụ công tác quản lý. Nhưng do đòi hỏi từ cuộc sống đa dạng, phức tạp người lãnh đạo cần đi thực tế nhiều hơn để hiểu và xử lý công việc tốt hơn. Tình trạng họp hành liên miên khiến cán bộ dành thời gian đi thực tế để lắng nghe dân còn ít. Đây chính là một phần hậu quả của bệnh quan liêu, hình thức, xa dân. Bác Hồ đã coi bệnh quan liêu là “kẻ thù bên trong” nằm trong các tổ chức của ta”, nó “ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”. Và Người chỉ rõ, một trong những phương thuốc chữa bệnh quan liêu là phải gắn bó, “liên hệ chặt chẽ với nhân dân”.

HIỀN NHÂN(biên soạn)