Ngăn chặn nạn buôn bán, tàng trữ pháo
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:00, 30/01/2013
Giáp Tết, tình hình buôn bán và sử dụng pháo nổ diễn biến phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương...
Ba đối tượng mua bán pháo nổ bị Đội Cảnh sát kinh tế, ma túy (Công an huyện Cẩm Giàng) bắt giữ
Lãnh đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, đơn vị đã bắt 3 vụ mua bán, vận chuyển pháo nổ trái phép, thu giữ hơn 70 kg pháo các loại. Điển hình là vụ ngày 21-1, đơn vị phối hợp Công an xã Cổ Dũng (Kim Thành) bắt quả tang Nguyễn Khắc Quyền (sinh năm 1995, ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng, Kim Thành) tàng trữ 43 kg pháo nổ. Khám xét nơi ở, tiếp tục thu 22 bánh pháo các loại. Đối tượng này khai nhận mua lại số pháo trên với giá 4 triệu đồng để bán kiếm lời.
Nhiều vụ, do khối lượng pháo mua, bán, vận chuyển, tàng trữ với số lượng nhỏ hoặc đối tượng vi phạm lần đầu nên không đủ cơ sở chuyển vụ việc sang xử lý hình sự. Do đó, đối tượng chỉ bị phạt hành chính nên tính răn đe chưa cao.
Ngày 2-1-2013, sau khi bắt giữ nhóm đối tượng mua bán 23,5 kg pháo nổ trái phép, Đội Cảnh sát kinh tế, ma túy (Công an huyện Gia Lộc) đánh giá, việc phát hiện, bắt giữ các đối tượng liên quan đến pháo hiện nay thậm chí còn khó khăn hơn đối với ma túy. Bởi lẽ, ma túy dù số lượng rất nhỏ, dễ cất giấu, song đối tượng thường đã nằm trong diện quản lý. Nhưng với pháo, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mua bán, trao đổi hoặc vận chuyển. Một phần do chế tài xử lý loại tội phạm này chưa đủ mạnh để răn đe, mặt khác do nhận thức của một bộ phận nhân dân về việc này còn rất hạn chế. Trong vụ bắt pháo nói trên, Đoàn Thị Hương (sinh năm 1993, ở cụm 6, thị trấn Gia Lộc) là học sinh năm thứ nhất hệ trung cấp tại Trường Đại học Hải Phòng tham gia mua, bán pháo chỉ vì... cần tiền chơi Tết dương lịch. Đội Cảnh sát kinh tế, ma túy (Công an huyện Cẩm Giàng) cũng cho biết, mặc dù năm 2012, toàn huyện chỉ phát hiện, bắt giữ và khởi tố 1 vụ mua bán trái phép pháo nổ, song không có nghĩa loại tội phạm này trên địa bàn đã giảm. Do là địa bàn giáp ranh, các đối tượng có nhiều cách đối phó nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan công an. Ngoài ra, cơ quan công an chưa bao giờ nhận được sự cộng tác của người dân trong cung cấp tin báo.
Cuối năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng sử dụng pháo nổ trái phép. Việc này thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý và xử lý các vụ việc, đối tượng phạm pháp trong lĩnh vực này. Do đó, ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, ký cam kết, các ban, ngành, đặc biệt là ngành công an, công thương cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát để phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi liên quan đến pháo nổ. Viện kiểm sát, tòa án các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra đưa ra truy tố, xét xử lưu động các vụ phạm tội về pháo, nhất là trong thời gian trước Tết Nguyên đán, phục vụ tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa.
TIẾN HUY