“Cát tặc” lại hoành hành

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 06:39, 04/02/2013

Sau tháng cao điểm ra quân xử lý, nạn khai thác cát trái phép lại diễn biến phức tạp trở lại với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn...



Một tàu hút cát trên sông Thái Bình đoạn qua xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) và Thanh Sơn
(Thanh Hà). Ảnh chụp chiều 30-1


Sử dụng tàu nhỏ để chạy trốn nhanh hơn


Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết, từ sau đợt cao điểm xử lý khai thác cát trái phép, từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12-2012 vừa qua, lợi dụng các ngày nghỉ lễ, đêm tối, các đối tượng hút cát trái phép tổ chức thành đoàn, hoạt động theo kiểu chớp nhoáng, "đánh" thẳng vào vùng đất bãi. Chúng dùng tàu nhỏ, máy hút công suất lớn, làm nhanh rồi rút. Để chủ động, chúng thả neo sẵn ở gần bờ, dây neo có phao nổi, khi vào hút cát chỉ cần buộc vào đầu dây neo sẵn là xong. Nếu “có động”, chúng tháo nút buộc neo và rút nhanh sang tỉnh Bắc Ninh. Hút cát bằng tàu lớn phải mất 3-4 giờ mới đầy cát, nhưng nếu sử dụng tàu nhỏ chỉ cần 40-50 phút. Sau đó, các tàu nhỏ tới điểm tập kết, hút cát sang tàu lớn. Nhiều lần nhận được tin báo có tàu hút cát nhưng đoàn liên ngành của huyện triển khai không kịp. Mặt khác, “cát tặc” có rất nhiều “vệ tinh”, thông tin nhanh cho nhau nên khó bắt quả tang các tàu đang khai thác trái phép”.

Thời gian gần đây, trên sông Thái Bình đoạn qua các xã Tiền Tiến, Thanh Hải, Phượng Hoàng (Thanh Hà), Đại Đồng, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) “cát tặc” thường sử dụng tàu nhỏ để hút, không sử dụng nhiều tàu lớn như trước đây. Chiều 30-1, chúng tôi thấy có 2 tàu loại nhỏ đang hút cát trên sông Thái Bình đoạn qua xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ), Tiền Tiến (Thanh Hà).

Thủ đoạn hoạt động của “cát tặc” tinh vi hơn đã khiến cho việc bắt giữ, xử lý của lực lượng chức năng ngày càng khó khăn. Trong tháng 1 này, lực lượng chức năng của huyện Thanh Hà đã bắt giữ 9 tàu hút cát trái phép. Việc truy bắt luôn chú trọng phương châm “bí mật, bất ngờ”, nhưng nhiều lần vẫn bị "chậm chân" trước "cát tặc". Cũng trong tháng 1 này, lực lượng liên ngành huyện Nam Sách đã bắt giữ được 7 tàu hút cát trái phép. Tuy nhiên, việc xử lý những tàu này cũng không đơn giản. Chủ tàu thường không có mặt trên tàu, những người làm thuê không xuất trình được các giấy tờ liên quan. Huyện cũng không thể giam giữ phương tiện lâu và không có bến bãi đủ an toàn để neo giữ tàu.

Nhiều nơi còn bức xúc


Hai xã Thái Tân, Hiệp Cát (Nam Sách) đang là “điểm nóng” về khai thác cát trái phép. Tại bãi sông Thái Bình đoạn qua xã Thái Tân, đất bãi lở tan hoang, những ruộng cà rốt sắp cho thu hoạch bị lở sụp xuống sông. Bà con nông dân phải thu hoạch cà rốt non để vớt vát phần nào. Họ bất lực nhìn “cát tặc” cướp đi mảnh đất phù sa màu mỡ. Ai cũng bức xúc về “cát tặc” nhưng không mấy người cho chúng tôi biết tên, vì họ sợ kẻ xấu phá hoại mùa màng, tư liệu sản xuất. Nơi đây đã từng xảy ra tình trạng nhiều đoạn ống nhựa, van khóa chôn dưới đất của nông dân trồng cà rốt bị kẻ xấu đập phá. Một người dân ở thôn Giữa (xin giấu tên) cho biết, chỉ trong vụ cà rốt này, gia đình đã mất trắng 4 sào đất bãi sát mép sông. Còn theo nhiều người dân thì chỉ từ tháng 5-2012 đến nay, “cát tặc” làm lở tới 70 m chiều sâu của bãi. Những ngày đầu và giữa tháng 1 này, "cát tặc" hoạt động cả ngày lẫn đêm, chủ yếu từ 9 - 12 giờ đêm. Lúc đông nhất có tới 12-15 tàu cùng vào sục vòi hút cát ở bãi, máy nổ ầm ầm. “Cát tặc” hút nhanh và rút cũng nhanh. Công an xã Thái Tân vừa thu được nhiều mỏ neo, dây chão, can làm phao của các tàu hút cát neo gần bờ. Theo thống kê, tính đến nay, xã Thái Tân đã mất hơn 24,3 ha đất bãi bồi, trong đó thôn Mạc Bình mất gần 20 ha. Bãi cát thôn này dài 1,5 km, rộng vài trăm mét, sau 2 năm giờ đã không còn nữa.


Bãi bồi của thôn Đình, xã Thái Tân (Nam Sách) đang bị sụp xuống sông do “cát tặc”


Trong 30 ngày đầu tháng 1 này, huyện Tứ Kỳ cũng đã bắt giữ, xử lý 5 tàu hút cát, 10 tàu vận chuyển, tiêu thụ cát trái phép, phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng. Tuy nhiên, “cát tặc” vẫn tiếp tục khai thác ở nhiều nơi, tập trung tại các xã Đại Đồng, Tứ Xuyên, Nguyên Giáp, Hà Thanh. Ông Trần Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Thanh cho biết: “Thời gian đầu đến giữa tháng 1, tình hình khá yên ắng nhưng những ngày cuối tháng 1 “cát tặc” lại nổi lên. Sáng 28-1, 6 tàu hút cát trái phép trên sông Luộc đoạn qua địa bàn xã. Tuy nhiên, chúng hút ở giữa sông nên lực lượng xã xuống kiểm tra cũng không làm gì được, vì không có phương tiện. Trong tháng 1 này, lực lượng chức năng chưa bắt được tàu nào hút cát trái phép ở đây. “Cát tặc” đã từng làm sạt lở 3,1 ha bãi sông khiến nhân dân rất bức xúc”. Thời gian gần đây, trên sông Thái Bình đoạn qua xã Tứ Xuyên, “cát tặc” hoạt động liên tục. Theo chị Trần Thị Tư, một người dân có đất canh tác bãi sông, lúc cao điểm khu vực này có 3 tàu hút cát, chúng thường xuyên hút vào lúc giữa trưa, gần như ngày nào cũng có tàu hoạt động. Nhiều đoạn bãi sông trồng chuối của nhà chị Tư đã bị lở xuống sông vì “cát tặc”. Chị Tư bức xúc: “Khi tàu cát hút sát bãi, tôi có nhắc nhở nhưng chúng cứ coi như không biết gì. Tại sao tàu hút cát ở bờ bên kia (xã Thanh Sơn, Thanh Hà) thì thấy có công an xã ra đuổi mà hút bên này thì mãi không thấy có lực lượng chức năng ra xử lý? Các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý quyết liệt hơn nếu không đất bãi nhà tôi sẽ bị lở xuống sông hết”. Tại thôn An Quý (xã Nguyên Giáp), quá bức xúc trước nạn “cát tặc”, nhiều người dân có đất bãi sông đã chuẩn bị chai thuỷ tinh để chống “cát tặc” khi nhắc nhở mà chúng không nghe. Làm thế nhưng “cát tặc” vẫn tiếp tục hút cát ở đây.

Trước những thủ đoạn mới của “cát tặc”, người dân đang mong chờ sự chủ động, nhanh nhạy, xử lý nghiêm minh từ lực lượng chức năng để lập lại trật tự trên các tuyến sông. Chống “cát tặc” đã thực sự là một "cuộc chiến" đòi hỏi cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ, thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa.

“  Nhiều lần nhận được tin báo có tàu hút cát nhưng đoàn liên ngành của huyện triển khai không kịp. Mặt khác, “cát tặc” có rất nhiều “vệ tinh”, thông tin nhanh cho nhau nên khó bắt quả tang các tàu đang khai thác trái phép”.

Ông NGUYỄN ĐÌNH DŨNGPhó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách

TUẤN NINH