Đảng viên đi trước...

Việc tử tế - Ngày đăng : 14:45, 17/02/2013

Bằng sự gương mẫu đi đầu, dám nghĩ dám làm, họ đã được người dân tin tưởng, noi theo, tạo nên những phong trào sôi nổi, tích cực.


Cụ Lê Văn Toát kể chuyện hiến đất làm nghĩa trang liệt sĩ xã

Đổi ruộng để hiến đất

Đến xã Hợp Tiến (Nam Sách), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong xã đang quyết tâm đạt các tiêu chí về nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. Trong phong trào đó, có không ít những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong việc hiến đất làm đường, làm nghĩa trang liệt sĩ.

Theo sự giới thiệu của Đảng ủy xã Hợp Tiến, chúng tôi đến thăm cụ Lê Văn Toát, 87 tuổi, 63 năm tuổi Đảng ở thôn Đầu. Khi được hỏi về việc hiến đất làm nghĩa trang liệt sĩ, cụ Toát nói: “Cả đời tôi từ lúc đi theo cách mạng, đến tính mạng còn chả tiếc, nói chi đến mấy thước ruộng”. "Thời buổi kinh tế thị trường, có khi chỉ vì vài mét đất, người ta cũng khiếu kiện khắp nơi. Vậy mà khi xã xây dựng nghĩa trang, nhà cụ không có ruộng ở đó, sao cụ lại quyết định đổi ruộng cho người ta để hiến đất?" - Tôi hỏi. “Khi xã quyết định xây dựng nghĩa trang, cần có diện tích để mở rộng khuôn viên và kêu gọi các hộ dân có ruộng trong khu vực đó hiến đất, cũng đã có 3 gia đình hiến. Tuy nhiên, còn một hộ nhất định không chịu hiến đất, mà nhất nhất đòi xã phải đền bù. Xã đã nhiều lần thuyết phục, vận động nhưng họ nhất định không nghe. Ruộng nhà tôi cách đó 2 lô nên tôi đã bàn với con trai tôi cũng là đảng viên đổi ruộng cho hộ kia để lấy 60 m2 hiến làm nghĩa trang”.

Việc hiến đất làm nghĩa trang của gia đình cụ Toát đã khiến không ít hộ dân trong xã cảm phục. Sau đó, thực hiện chủ trương xây dựng NTM, xã Hợp Tiến đã vận động được hàng trăm hộ dân hiến đất làm đường. Đồng chí Lê Văn Ba, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Hợp Tiến cho biết: Đến nay, toàn xã đã vận động nhân dân hiến 10.238 m2 đất nông nghiệp ổn định, chuyển từ đất ổn định sang đất công điền 3.562 m2.

Đi đầu trong phát triển kinh tế


Có dịp trò chuyện với một số chủ trang trại chăn nuôi ở xã Thống Nhất (Gia Lộc), chúng tôi thấy nhiều người cảm phục về sự dám nghĩ dám làm, đi đầu biến vùng đất triều trũng cấy lúa bấp bênh thành trang trại nuôi lợn, thả cá của đảng viên Phạm Văn Nam, 63 tuổi, 39 năm tuổi Đảng ở thôn Ty.

Thăm trang trại của ông Nam, chúng tôi không nghĩ rằng cách đây gần 20 năm, mảnh đất này chỉ là một khu đất triều trũng, cấy lúa bấp bênh. Bởi tất cả đã biến thành 5 ao thả cá, các bờ đều được kè gạch, trên bờ trồng những hàng cau vua thẳng tắp. Một phía góc bờ được bố trí để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn quy củ. Ông Nam cho biết mới thu hoạch gần 9 tấn cá, thu lãi gần 70 triệu.

Năm 1997, khi khu đất này vẫn cấy lúa bấp bênh, ông Nam đã xin xã cho đấu thầu, lập ao thả cá, xây chuồng trại nuôi lợn. Ông tích cực tìm tòi, áp dụng cách thức chăn nuôi mới và sẵn sàng chia sẻ con giống, kinh nghiệm cho những nông dân trong xã. Đến nay, ông đã đầu tư vào khu trang trại rộng 1 ha này gần 1 tỷ đồng. Sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của ông Nam đã thực sự tạo ra phong trào làm kinh tế trang trại ở xã Thống Nhất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.


Anh Nguyễn Văn Tường bên thửa ruộng cà chua trái vụ


Một đảng viên khác là anh Nguyễn Văn Trường, 48 tuổi, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) luôn tranh thủ thời gian để chăm sóc 5 sào cà chua và 2 sào ao thả cá. Năm 1989, sau khi xuất ngũ về địa phương, anh Trường tham gia Ban Chấp hành Đoàn xã. Từ năm 1994 đến năm 2002, anh là Bí thư Đoàn xã. Vào khoảng cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương chuyển đổi những khu ruộng trũng thành những khu trồng trọt, chăn nuôi, anh đã bàn với vợ đi đầu chuyển 7 sào ruộng cấy lúa bấp bênh ở khu đồng Vó sang đào ao thả cá và trồng cây ăn quả. Trong đó có 2 sào ao thả cá trắm, trôi, mè và 5 sào trồng các loại cây ăn quả như táo, đu đủ. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, giống, vốn, kiến thức còn hạn chế nên thu nhập thấp. Sau đó, anh đã đi học cách trồng cà chua và áp dụng cho mảnh vườn của mình. Do chủ yếu trồng cây cà chua trái vụ nên hiệu quả kinh tế rất cao. Trồng cà chua trái vụ phải rất vất vả, chịu khó, có những hôm anh dậy từ 4 giờ sáng để tưới cà chua, thu hoạch quả cho vợ đem bán. "Với đồng lương ít ỏi, nếu mình không tham gia làm kinh tế với vợ thì lấy đâu ra tiền nuôi 2 con học đại học. Với lại, làm cán bộ ở cơ sở, nếu mình hòa đồng vào phong trào của quần chúng thì mình có thêm sự hiểu biết để góp phần cùng với lãnh đạo xã có những chỉ đạo sát, đúng". Hiện nay, với 5 sào cà chua trái vụ, mỗi năm, anh Trường trồng 2 vụ, một vụ từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, một vụ từ tháng 6 đến tháng 10. Vào những năm được mùa, được giá, mỗi sào cà chua có thể cho thu nhập 15 - 18 triệu đồng/vụ, cá mỗi năm cũng cho lãi từ 20 - 25 triệu đồng. Từ sự gương mẫu đi đầu của anh Trường, đến nay, khu cánh đồng trũng cấy lúa bấp bênh của thôn đã có thêm 25 hộ dân chuyển đổi thành những khu ruộng trồng cà chua, ao nuôi cá, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước.

VŨ ÚY