Tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Tin tức - Ngày đăng : 08:00, 21/02/2013

Ngày 20-2, Thường trực HĐND tỉnh, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.



Tại hội nghị, có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992


Các đồng chí: Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ giúp việc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Lương Anh Tế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phát huy dân chủ, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến vào từng chương, điều cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. 12 ý kiến của đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân đã tập trung góp ý vào lời nói đầu của dự thảo; góp ý sửa câu chữ, bổ sung cụm từ; đề nghị bổ sung các điều, khoản về hoạt động của ngành công an, tòa án, viện kiểm sát; bổ sung về quyền con người; bổ sung cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của Đảng, cơ chế để Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; không nên quy định cho Quốc hội quyền lập hiến, bởi quyền này thuộc về nhân dân, Dự thảo Hiến pháp cần được trưng cầu ý dân trước khi có hiệu lực. Hiến pháp cần quy định về một nội dung hết sức quan trọng khác được người dân quan tâm là quyền được bảo đảm đất ở, đất sản xuất. Tại hội nghị, một số ý kiến của các đại biểu cũng chỉ ra những điểm chưa rõ ràng, có thể gây ra những bất cập trong quá trình thực thi khi Hiến pháp được thông qua và có hiệu lực.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến nhấn mạnh, trước khi tổ chức hội nghị này, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai có hiệu quả việc lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đã quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, kế hoạch thực hiện của Trung ương và địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tham gia của các đại biểu. Các ý kiến đã bám sát yêu cầu, kế hoạch; phân tích, đánh giá, đóng góp cụ thể vào từng chương, điều; phát huy tính dân chủ và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong quá trình triển khai nội dung quan trọng này. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ý kiến, góp phần quan trọng trong định hướng dư luận, không để các đối tượng xấu chống phá, xuyên tạc. Tổ giúp việc cần ghi chép đầy đủ, chi tiết để tổng hợp ý kiến phục vụ cuộc họp tiếp theo về nội dung này sẽ diễn ra vào đầu tháng 3 tới.

* Sáng 20-2, huyện Nam Sách tổ chức hội nghị lấy ý kiến của gần 100 đại biểu là thường trực HĐND, chủ tịch HĐND cấp xã, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, đã có gần 10 lượt ý kiến góp ý vào các nội dung, như: lời nói đầu, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, vị trí, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ, quyền con người, về bảo vệ Tổ quốc…

Theo Thường trực HĐND huyện Nam Sách, đến ngày 20-2, toàn huyện đã có hơn 50 lượt ý kiến của các cá nhân, đơn vị, địa phương, cơ quan đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

TIẾN HUY - TRUNG THU