Con hư tại... bố
Đời sống - Ngày đăng : 08:28, 03/03/2013
Đã ba ngày nay, chị Duyên khóc đứng khóc ngồi, mất ăn mất ngủ vì cô con gái lớn bỏ học, bỏ nhà đi mất.
Vợ chồng chị đã tìm khắp nơi nhưng cũng không thấy tung tích gì. Chị đã nghĩ đến chuyện báo công an nhưng anh Tiến - chồng chị cản lại: “Có phải con Nhung bị bắt cóc đâu. Chẳng qua bị anh tát một cái, nó dỗi nên bỏ đi thôi”. Nhìn chồng vò đầu bứt tóc trong nỗi dằn vặt như thế, chị Duyên không nỡ trách cứ điều gì. Chị chỉ biết lặng lẽ khóc...
Chuyện bắt đầu từ khi chị sinh con gái đầu lòng. Bố mẹ chồng và chồng chị rất mừng vì mọi người đều nghĩ: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Chồng chị còn nói ra miệng: “Đẻ con gái là yên tâm rồi, chứ thời buổi này đầy rẫy tệ nạn xã hội, đẻ con trai lại lo ngay ngáy”. Nhung lại là đứa cháu đầu tiên nên ông bà nội rất chiều chuộng. Hễ thấy bạn bè trong lớp có cái gì là nó đòi ông bà mua cho bằng được cái đó. Nếu ông bà không mua nó sẽ nũng nịu với bố. Anh Tiến không muốn con “thua bạn kém bè” nên lần nào con gái xin tiền để mua cái này, cái nọ, anh đều rút ví ra cho. Chị Duyên đã nhiều lần có ý kiến thì anh Tiến gạt đi: “Thời buổi này đẻ ít, mình phải chăm lo cho các con đầy đủ”. Chị Duyên bực lắm, có lần chị đã to tiếng với chồng: “Anh cứ chiều con kiểu ấy để nó được đằng chân lại lân đằng đầu, sinh hư đấy”. Anh Tiến vẫn bình thản: “Đẻ con gái thì việc gì phải lo dạy dỗ, đương nhiên là nó ngoan rồi”.
Chị Duyên nghiêm khắc với con bao nhiêu thì anh Tiến lại càng xuề xoà, dễ dãi, nuông chiều con bấy nhiêu. Nhung “biết lõm” nên chỉ thủ thỉ, nhỏ to với bố. Thấy con gái làm việc nhà ẩu, làm như chiếu lệ, chị Duyên bắt nó làm lại và răn dạy: “Con phải làm thế này, thế này... Con gái phải học tính cẩn thận, 14 tuổi đầu rồi mà quét cái nhà không sạch. Bằng tuổi con ngày xưa mẹ đã làm đủ mọi việc giúp ông bà ngoại rồi…”. Chị Duyên chưa nói dứt lời, anh Tiến đã lên tiếng: "Em so sánh thế mà cũng được à. Ngày xưa và bây giờ khác nhau nhiều. Em nói ít thôi, làm mẹ mà lắm điều quá”. Vì anh Tiến nói điều đó trước mặt Nhung nên từ đó con bé coi thường những lời mẹ nói. Càng ngày nó càng ngang bướng và chỉ thích làm theo ý mình.
Mãi đến khi Nhung học lớp 9 thì chị Duyên mới sinh đứa thứ hai. Trong lúc chị ở cữ, không giám sát con gái thường xuyên được khiến nó thỉnh thoảng trốn tiết. Được nhà trường thông báo, chị hoảng hốt nói với chồng nhưng anh Tiến vẫn chưa tin. Anh hỏi con gái thì nó giải thích: “Vì con hay đau bụng nên con xin về chứ con có bỏ tiết đâu”. Biết con gái bao biện, chị Duyên nhờ người theo dõi. Một hôm Nhung trốn học, đang ở quán in-tơ-nét, chị Duyên gọi điện cho chồng. Anh Tiến tận mắt chứng kiến cô “con gái rượu” của mình đang chơi điện tử say sưa. Sau này, chị Duyên mới biết, anh Tiến vẫn thỉnh thoảng dấm dúi cho Nhung tiền nên nó mới có tiền chơi điện tử. Cũng may là chị Duyên phát hiện kịp nên Nhung vẫn còn thời gian tập trung ôn thi và đỗ vào cấp 3.
Anh Tiến tưởng con càng lớn thì càng hiểu biết, bớt đua đòi nhưng hoá ra không phải. Từ nhà đến trường có hơn 2 km nhưng nó cũng đòi bố mua cho xe đạp điện. Anh Tiến mua ngay, vì anh coi đó như phần thưởng cho con gái. Nhung thích chưng diện, trước khi ra khỏi nhà bao giờ nó cũng trang điểm thật kỹ. Nó lấy cớ đi học nhóm ở nhà bạn buổi tối để hẹn hò với bạn trai. Ba ngày trước nó đi “học nhóm” đến tận 11 giờ đêm mới về. Anh Tiến vẫn ngồi uống nước chè ở phòng khách chờ con gái. Đêm ấy lần đầu tiên anh đã tát Nhung một cái vì nó cãi anh, nó gào lên: “Bố không còn thương con nữa, bố không phải là bố con nữa”. Sáng hôm sau, Nhung vẫn mặc đồng phục đeo cặp đi học cùng với chiếc xe đạp điện nhưng từ hôm đó nó đi đâu thì không ai biết.
Không khí gia đình chị Duyên giờ đây rất u ám, nặng nề. Anh Tiến trong lòng đau như cắt nhưng bề ngoài vẫn an ủi vợ: “Từ từ rồi sẽ tìm thấy con thôi, khóc thì giải quyết được gì. Tại anh, chỉ tại anh nuông chiều từ bé nên nó sinh hư”. Bây giờ anh Tiến đã nhận ra lỗi của mình. Anh chỉ mong sớm tìm được con gái để anh bắt đầu lại từ đầu, may ra còn chưa muộn.
TRẦN THỊ LÀNH