Được mang bao nhiêu tiền mặt Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ khi xuất nhập cảnh?

Phản hồi - Ngày đăng : 08:40, 14/03/2013

Hỏi: Tôi chuẩn bị được cử đi công tác ở nước ngoài. Xin hỏi, mỗi lần xuất nhập cảnh, tôi được mang bao nhiêu tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ?


TRẦN VĂN ÂN (TP Hải Dương)


Trả lời: Theo Quyết định số 921/2005/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 27-6-2005 về việc mang ngoại tệ bằng tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt khi xuất nhập cảnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cá nhân người Việt Nam và nước ngoài khi xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam được mang theo một lượng tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền kim loại và séc du lịch) và tiền mặt Việt Nam đồng trên mức quy định dưới đây thì phải khai báo hải quan tại cửa khẩu và xuất trình các giấy tờ cần thiết:

- 7.000 USD  hoặc các loại ngoại tệ có giá trị tương đương.

- 15 triệu đồng Việt Nam.

Mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt phải khai báo với hải quan cửa khẩu trên đây không áp dụng với những cá nhân mang theo các loại công cụ thanh toán và các loại giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán

Trường hợp vi phạm, tuỳ vào mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị xử lý hình sự.

a. Theo Điều 10 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7-6-2007 quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan của Chính phủ trong trường hợp không khai hoặc khai sai so với quy định mà giá trị của số tiền vi phạm nhỏ hơn 10 triệu đồng Việt Nam, người vi phạm sẽ không bị xử phạt hành chính nhưng buộc phải lập lại tờ khai hải quan. Trường hợp số tiền vi phạm lớn hơn, người vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 0,5 - 3 triệu đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 10 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 3- 10 triệu đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 30 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng;

-Phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng đối với trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100 nghìn đồng trở lên mà không phải là tội phạm.

Tang vật vi phạm được trả lại khi quyết định xử phạt đã được thực hiện.

b.Trong trường hợp giá trị của số tiền vi phạm từ 100 triệu đồng Việt Nam trở lên và là tội phạm, thì tuỳ vào tính chất của tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh buôn lậu (điều 153, Bộ luật Hình sự), hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (điều 154, Bộ luật Hình sự). Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.