Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:07, 15/03/2013

Để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, người chăn nuôi...



Tiêm phòng là biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Đầu tháng 2-2012, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 7 hộ chăn nuôi thuộc xã Ngô Quyền (Thanh Miện) và 4 hộ chăn nuôi tại các huyện Ninh Giang và Gia Lộc. Cơ quan chức năng đã buộc phải tiêu hủy trên 5.000 con gia cầm và thủy cầm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cùng thời điểm này, tại xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) dịch lở mồm, long móng cũng xuất hiện trên đàn lợn của 2 hộ dân làm 29 con lợn với tổng trọng lượng trên 2 tấn bị ốm, chết. Sau đó, đến tháng 7, tại thôn Túy, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) lại xuất hiện dịch cúm gia cầm tại 8 hộ chăn nuôi làm gần 5.500 con gia cầm chết và bị tiêu hủy. Qua đó cho thấy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, có thể phát sinh bất kỳ thời điểm nào, không còn theo quy luật theo mùa như trước đây. Dịch bệnh phát sinh không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho người dân có gia súc, gia cầm bị chết mà còn ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của những hộ dân khác, làm cho tình hình chăn nuôi đình trệ, giá cả xuống thấp... Do vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh trong thời điểm này là hết sức quan trọng.

Năm 2012, đàn gia cầm của gia đình anh Thiều Văn Đoan ở thôn Tân Thành, xã Tân Phong (Ninh Giang) bị dịch cúm. Tuy nhiên do phát hiện nhanh, công tác dập dịch được tiến hành khẩn trương nên đã giảm được rất nhiều thiệt hại. Sau khi bị dịch, gia đình anh Đoan đã chuyển sang nuôi ếch và lợn nên nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm tại hộ dân này không còn. Tuy nhiên để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, huyện Ninh Giang đã chỉ đạo xã Tân Phong kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, rà soát toàn bộ số hộ chăn nuôi và số lượng gia súc, gia cầm của địa phương. Trạm Thú y huyện cử cán bộ phối hợp với thú y xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình chăn nuôi của người dân địa phương. Theo thống kê, toàn xã hiện có 4.000 con lợn, trong đó gần 600 con lợn nái, còn lại lợn thịt, lợn con và gần 5.000 con gia cầm, thủy cầm. Đến ngày 12-3, xã đã tiêm phòng cho trên 1.000 con lợn. Ninh Giang cũng yêu cầu các xã, thị trấn thống kê số lượng gia súc, đẩy mạnh công tác tiêm phòng, coi đây là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng, chống dịch bệnh. Hiện toàn huyện còn 45 nghìn con lợn trong diện phải tiêm. Các xã, thị trấn đang tập trung cho việc tiêm phòng. Toàn huyện phấn đấu tỷ lệ lợn tiêm phòng trong diện đạt 85%. Ngoài việc tiêm phòng vụ xuân chính, huyện cũng đẩy mạnh công tác tiêm phòng bổ sung cho lợn mới nhập đàn. Huyện chỉ đạo Đài Phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ bùng phát dịch bệnh tới người dân.

Huyện Cẩm Giàng cũng đang đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Bà Vũ Thị Duy, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: "Thời tiết hiện đang vào mùa mưa phùn, ẩm ướt không có nắng. Đây là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh còn tồn lưu trong không khí bùng phát và lây lan trên diện rộng. Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, huyện chú trọng các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ bùng phát cao. Cùng với việc tập trung tiêm phòng, huyện khuyến khích người chăn nuôi tự mua hóa chất, thuốc sát trùng, vôi bột để phun và rắc quanh khu vực chăn nuôi. Lực lượng thú y địa phương đang tích cực giám sát, phát hiện dịch bệnh".

Theo Chi cục Thú y tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh đang được các ngành, địa phương đẩy mạnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từ huyện đến xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại và biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm để người dân nâng cao ý thức, thực hiện khai báo kịp thời khi phát hiện có gia súc, gia cầm bệnh, không giết mổ, bán chạy và tiêu thụ gia súc, gia cầm bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, có biện pháp can thiệp kịp thời khi gia súc, gia cầm mắc bệnh trong diện hẹp. Xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân giấu dịch, phát hiện chậm, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Duy trì định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi có ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật nhằm làm sạch môi trường, tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu, kiểm soát tốt dịch bệnh. Toàn tỉnh đang tập trung cho công tác tiêm phòng; đến ngày 11-3, đã tiêm được gần 358 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn, gần 263 nghìn liều vắc-xin tụ dấu lợn, vượt so với số lượng vắc-xin đăng ký của các địa phương.

Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay, ngành thú y gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: "Là lực lượng đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giám sát, phát hiện dịch bệnh nhưng cán bộ thú y cấp xã lại không nằm trong diện quản lý của chi cục. Lực lượng này do xã, thị trấn trực tiếp tuyển dụng và trả lương nên xuất hiện những bất cập như không báo cáo tình hình chăn nuôi thường xuyên cho ngành thú y, tinh thần làm việc không cao... Khi có lợn ốm, chết người chăn nuôi giấu, không báo cơ quan chức năng. Các loại dịch bệnh thường xuyên xuất hiện nhưng vắc-xin phòng bệnh không có. Chỉ đến khi dịch bệnh bùng phát thì mới được cấp kinh phí mua vắc-xin tiêm". Để công tác phòng dịch tại tỉnh ta hiệu quả hơn nữa, những khó khăn trên cần được các ngành chức năng giải quyết kịp thời.

THANH HÀ