Bệnh khẩu hiệu

Tin tức - Ngày đăng : 10:15, 15/03/2013

Ngày 15-3-1949, Bác Hồ viết "Bệnh khẩu hiệu" (bút danh G) đăng trên báo Cứu quốc số 1191.


Sau khi nêu lên tầm quan trọng và vai trò của khẩu hiệu trong công tác tuyên truyền cổ động, Người phê phán một số địa phương và một số cán bộ đã mắc "bệnh khẩu hiệu", biểu hiện ở chỗ đưa ra quá nhiều khẩu hiệu khó hiểu, không thiết thực lại dài dòng.

Theo Bác Hồ, thi đua yêu nước phải là phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân lao động, có nghĩa là phải huy động tất cả mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Thi đua yêu nước còn cần có phương pháp. Đó là khẩu hiệu rõ ràng, nội dung cụ thể; biết gắn kết nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng đúng và kịp thời.

Người cho rằng, một trong những điểm dễ vi phạm nhất trong phong trào thi đua đó là quá coi trọng khẩu hiệu, thích những khẩu hiệu "hoành tráng" không gắn kết gì với thực tiễn, xa lạ với quần chúng hoặc là quần chúng không hiểu gì để hành động, bởi nó xa vời chẳng khác nào "nói chuyện cung trăng trong khi cái cần là giặc đói, giặc dốt lại không động đến; làm cho dân chúng từ nghi ngờ đến tránh xa, thế là thất bại".

Bác phân tích, ai cũng biết khẩu hiệu là cần thiết vì nó vừa là mục tiêu, vừa là định hướng cho phong trào thi đua nhưng nó phải là những khẩu hiệu thiết thực, cụ thể, rõ ràng, thể hiện những đòi hỏi của cuộc sống, những bức xúc của nhân dân. Khẩu hiệu của thi đua phải có khả năng biến thành hiện thực thông qua nhận thức và hành động của nhân dân lao động. Bác rất kiên quyết chống bệnh hình thức (bệnh khẩu hiệu) nghĩa là nói cho hay chứ không làm hoặc không làm được.

Bác đưa ra giải pháp, trong mọi công việc phải tính toán khoa học, cụ thể, thiết thực. Và tấm gương phong cách làm việc khoa học của Bác đối lập hoàn toàn và xa lạ với lề lối, cách thức làm việc mang nặng cảm tính chủ quan, phất phơ cốt cho hết ngày, không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tự do, tuỳ tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu kế hoạch; thiếu ngăn nắp, luộm thuộm, lề mề, chậm chạp, không coi trọng thời gian, lãng phí sức người sức của; làm việc thiếu cụ thể, thiết thực, thiếu tầm nhìn xa trông rộng…

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, bệnh khẩu hiệu và nhiều thứ “bệnh” khác mà Bác Hồ đưa ra vẫn còn hiển hiện và đang làm hại đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, tu dưỡng đạo đức, để xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

HOÀNG YẾN(biên soạn)