Tiết kiệm

Tin tức - Ngày đăng : 09:09, 21/03/2013

Ngày 21-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn tiếp về kế hoạch nhà nước năm 1964.


Người chỉ rõ, quần chúng rất tốt, phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa khá. Về lương thực, phải cố gắng để giải quyết cho tốt. Về nguyên liệu, phải cố gắng giải quyết. Ta đã bị mắc cái xiềng ba sào, bây giờ lại vướng cái xiềng nguyên liệu nữa. Nhiều vấn đề ta có thể giải quyết được, tại sao không cố gắng giải quyết?

Trong sinh hoạt hằng ngày, Bác Hồ luôn nhắc nhở ý thức tiết kiệm. Có lần trò chuyện với các giám đốc và chủ tịch các UBND, Bác nói: “Phải biết tiết kiệm những đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các cơ quan. Rút bớt hết những việc gì không cần thiết, chớ hao phí giấy tờ, tiền bạc và các thứ của công. Hao phí những thứ đó tức là hao phí mồ hôi, nước mắt của dân nghèo”. Người còn nói rằng: “Chớ tưởng tiết kiệm những thứ cỏn con như mẩu giấy, ngòi bút là không có ảnh hưởng. Một người tiết kiệm như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ bớt được một số tiền đáng kể lấy ở mồ hôi, nước mắt dân nghèo mà ra...”

Năm 1960, trong bài viết “Rẻ”, Bác cho rằng, với điều kiện hiện nay, chúng ta đang tìm biện pháp giảm chi phí sản xuất thì “Mỗi người, mỗi đơn vị sản xuất phải luôn luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Có thể dùng ít nguyên, vật liệu hơn mà hàng vẫn tốt không? Có thể dùng nguyên vật liệu tương đối rẻ thay thế những nguyên liệu tương đối đắt, hoặc dùng những thứ sẵn có ở gần để thay thế những thứ phải chở từ xa tới không? Có thể sửa đổi quy cách một số mặt hàng để tiết kiệm nguyên liệu hơn nữa không?”. Người lưu ý, phải tính toán thật chi ly trong việc dùng nguyên liệu, vật liệu. Phải dùng nguyên liệu, vật liệu thật hợp lý và không để nhiều nguyên liệu, vật liệu bị loại bỏ. Tăng năng suất lao động, tiết kiệm vốn, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, không những giảm được giá thành, mà còn dôi ra một số khá lớn sức người, sức của để sản xuất thêm nhiều hàng hóa, xây dựng thêm nhiều xí nghiệp mới.

Cuộc đời của Bác Hồ sống giản dị, thanh bạch. Đạo đức, tư tưởng của Người là tấm gương cho muôn đời con cháu noi theo. Nhìn bản Di chúc của Bác Hồ, không ai không cảm động khi biết rằng: trước khi qua đời, Bác viết lại toàn bộ phần mở đầu bản Di chúc vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam. “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ” chính là học tập và làm theo những mẫu mực cao đẹp đó của Người.

HOÀNG YẾN(biên soạn)