Nhiều ý kiến sâu sắc, sát thực
Tin tức - Ngày đăng : 07:43, 05/04/2013
Ngày 25-3, Tổ giúp việc Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã phối hợp với TP Hải Dương tổ chức hội nghị lấy ý kiến
góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Thành Long
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị triển khai lấy ý kiến đến các đảng ủy trực thuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội. UBND tỉnh thành lập tổ giúp việc, ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị lấy ý kiến. Tổ giúp việc Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã phối hợp với TP Hải Dương, 2 huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp. Việc lấy ý kiến được triển khai rộng rãi ở các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Hình thức lấy ý kiến đa dạng, từ lấy ý kiến trực tiếp thông qua các hội nghị, cuộc họp đến góp ý bằng văn bản hoặc thông qua website của các cơ quan liên quan. Tại các hội nghị lấy ý kiến góp ý, đại diện cơ quan chức năng đều nêu rõ những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) so với Luật Đất đai năm 2003 để các đại biểu dễ theo dõi. Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ phó Tổ giúp việc Thường trực HĐND, UBND tỉnh cho biết: "Do có sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ trước nên nhiều đại biểu có những ý kiến góp ý rất sâu sắc, giàu tính thực tiễn ở nhiều chương, điều của dự thảo".
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện báo cáo tổng hợp để chuyển tới cơ quan liên quan. Theo tổng hợp sơ bộ, tính đến ngày 1-4, toàn tỉnh đã có 20.273 ý kiến góp ý vào 133 điều, 13 chương trong tổng số 206 điều, 14 chương của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến tập trung góp ý vào chương V quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (5.136 ý kiến), chương VI về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (4.871 ý kiến), chương II quy định quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đất đai (2.521 ý kiến), chương XI quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (1.984 ý kiến). Trong các chương này, các điều nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất là: điều 50 quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (1.916 ý kiến), điều 57 về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (1.682 ý kiến), điều 90 về những trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất (1.025 ý kiến), điều 121 quy định về đất sử dụng có thời hạn (975 ý kiến).
Thời hạn giao đất, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp là vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý.
Trong ảnh: Nông dân thôn Địch Tràng (xã Đức Chính, Cẩm Giàng) phun thuốc trừ bệnh cho dưa hấu vụ xuân hè
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đa số các ý kiến đều khẳng định Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản cụ thể hóa đầy đủ 6 quan điểm chỉ đạo, 11 định hướng được nêu trong Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kế thừa được những chính sách ưu việt, ổn định, phù hợp thực tiễn của Luật Đất đai năm 2003, đồng thời có nhiều đổi mới, hoàn thiện cho phù hợp với thể chế chính trị, định hướng phát triển của nước ta. Dự thảo luật còn đưa ra những quy định có tính đồng bộ cao, sửa đổi, bổ sung cơ bản những nội dung, vấn đề còn bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2003; luật hóa các quy định trước đây vốn thuộc phạm vi của các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư...) để tạo thuận lợi cho việc thực hiện, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Ngoài ra, dự thảo luật đã có một số quy định mới có tính dự báo những vấn đề sẽ xuất hiện (xây dựng công trình ngầm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nơi đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai...), quy định một số cơ chế có tính chất "mở" để giải quyết những vấn đề nhạy cảm.
Nhiều ý kiến góp ý cũng chỉ ra những hạn chế của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, một số điều khoản còn dài, chưa rõ ràng, có quy định còn mâu thuẫn với luật khác (Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự...). Chính sách tài chính về đất đai cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội chưa được quy định cụ thể. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất còn mâu thuẫn ngay với các điều khoản quy định tại mục 1, chương II về "Quyền của Nhà nước đối với đất đai". Một số vấn đề liên quan đến lợi ích của các nhóm đối tượng chưa được giải quyết dứt điểm, chẳng hạn như lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng đất trong cơ chế bồi thường thiệt hại về quyền sử dụng đất khi thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế.
Thông qua tổ chức thành công việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhận thức của cán bộ, người dân trong tỉnh về xây dựng chính sách, pháp luật đất đai được nâng cao, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy.
NINH TUÂN