Trao quyền chủ động cho tổ chức công đoàn
Tin tức - Ngày đăng : 08:25, 10/04/2013
Nếu Nhà nước đã tăng quyền cho công đoàn (CĐ), đã khẳng định tầm quan trọng của tổ chức CĐ trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội thì nên cho CĐ quyền chủ động trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chính sách pháp luật, nhất là những chính sách pháp luật có tác động trực tiếp đến tổ chức CĐ và người lao động như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn. Vậy nên, tôi đề nghị sửa điều 10, bỏ từ “tham gia” trong cụm từ “Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát…”. Có như vậy CĐ mới có thể kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện pháp luật một cách độc lập.
Trong khoản 1, điều 61, tôi đề nghị thay cụm từ “có thu nhập thỏa đáng” bằng cụm từ “để nâng cao thu nhập”, vì nếu để như dự thảo thì chưa phù hợp vì không biết thế nào mới “thỏa đáng”. Nhưng nếu dùng cụm từ “nâng cao thu nhập” thì có thể định lượng được trên cơ sở mức thu nhập trước của người lao động. Tôi đề nghị sửa khoản 1 như sau: “Tổ chức, cá nhân được khuyến khích, tạo điều kiện để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Khoản 2 của điều 61 là một điểm mới, đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định tại doanh nghiệp. Để bảo đảm được điều này, cần có sự tham gia của tổ chức CĐ và hiệp hội doanh nghiệp. Vậy nên, tôi đề nghị sửa đổi khoản 2 điều 61 như sau : “Nhà nước phối hợp với đại diện của người lao động, đại diện của người sử dụng lao động bảo vệ quyền của các bên trong quan hệ lao động, tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”.
NGUYỄN THỊ LÁNG - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia, Liên đoàn Lao động tỉnh