Thượng tôn pháp luật

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 18:51, 14/04/2013

Dẫu là ai, chính quyền hay người dân, thì thượng tôn pháp luật vẫn phải luôn đặt lên hàng đầu trong mọi hành xử.


Mọi người còn nhớ, đầu tháng 1-2012, dư luận cả nước xôn xao về vụ cưỡng chế thu hồi khu đất bãi ven biển xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) của anh em ông Đoàn Văn Vươn. Mới đây, liên tiếp các ngày 2 đến 5-4 và 8 đến 10-4-2013, Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng mở hai phiên tòa xét xử sơ thẩm anh em ông Vươn và người thân có liên quan về tội “giết người, chống người thi hành công vụ”, và ông Lê Văn Hiền (nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) cùng một số quan chức dưới quyền về tội “hủy hoại tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tại hai phiên tòa, 11 bị cáo đã bị tuyên phạt những mức án khác nhau, người lĩnh án cao nhất là Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, mỗi người 5 năm tù giam, người lĩnh án thấp nhất là Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn), Lê Văn Hiền cùng mức 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Khanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) cùng ba quan chức dưới quyền phải bồi thường người bị hại là ông Vươn, ông Quý số tiền 295 triệu đồng về tài sản bị phá hại.

Điều làm nhiều người quan tâm không phải ở mức án và số tiền phạt đối với các bị cáo, mà ở tính chất vụ việc. Công bằng mà nói, việc UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi 19,3 ha đất bãi cho anh em ông Đoàn Văn Vươn thuê nuôi trồng thủy sản, không phải là vụ thu hồi đất với diện tích lớn. Nhưng vì sao lại đến mức chính quyền phải huy động tới hơn 100 bộ đội, công an huyện đến cưỡng chế, để xảy ra cuộc “đấu súng” làm 7 người bị thương, và vụ việc trở thành lớn đến mức một tháng sau, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải chủ trì cuộc họp để cho ý kiến về hướng giải quyết? Đây mới là điều làm nhiều người quan tâm suốt hơn một năm qua. Hai phiên tòa đã khép lại, nhưng qua vụ việc này có thể rút ra bài học bổ ích cho cả phía chính quyền và người dân ở các nơi khác.

Trước hết nói về phía chính quyền. Là người cầm cân nẩy mực, chính quyền (dù ở bất cứ cấp nào) trước khi ban hành các quyết định phải căn cứ vào pháp luật, không thể tự ra những quyết định không đúng với pháp luật. Trong vụ thu hồi đất ở Vinh Quang, theo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp vừa nêu, chính quyền huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất trái pháp luật; sau đó lại tổ chức cưỡng chế với một lực lượng mà lẽ ra Chủ tịch UBND huyện không đủ quyền hạn huy động; sau cưỡng chế còn tiếp tục phá hại tài sản công dân, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người cho rằng, trong vụ thu hồi đất ở xã Vinh Quang, nếu lãnh đạo huyện Tiên Lãng thực sự cầu thị, thực sự là công bộc của dân, lắng nghe ý kiến (cả trái chiều) của nhân dân và của cả những người dưới quyền, thì hẳn sự việc không đến mức như thế. Cũng nên nói, vùng đầm nuôi trồng thủy sản của anh em ông Vươn chỉ cách "huyện đường" Tiên Lãng chừng 10 km, chính quyền huyện hoàn toàn có quyền gọi anh em ông Vươn lên huyện, hoặc cử cán bộ xuống xã trực tiếp làm việc với anh em ông Vươn trên tinh thần dân chủ, bình đẳng để tìm ra phương án giải quyết thỏa đáng, thì sớm muộn sao không thể giải quyết được, mà lại huy động một lực lượng “hùng hậu” bộ đội, công an như thế đến tận nơi. Trong vụ việc này, chỉ cần chính quyền gần dân, hiểu dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng dân, cảm thông với những gì mà người dân đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” bỏ ra; đồng thời, vận dụng những điều khoản trong khuôn khổ pháp luật cho phép để áp dụng vào điều kiện cụ thể làm lợi cho dân, cho nước thì hẳn không gây ra sự bức xúc quá mức, dẫn tới hậu quả đáng tiếc như thế.

Còn về phía người dân. Lâu nay chúng ta vẫn nói: mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng trong cuộc sống hằng ngày thì đúng là từ lời nói đến việc làm còn khoảng cách quá xa. Điều này đúng với rất nhiều trường hợp, từ việc lớn như chấp hành luật lệ thuế má, đất đai đến việc nhỏ như đội mũ bảo hiểm, hút thuốc lá... đều để xảy ra những trường hợp đáng trách. Suy cho cùng đều do thói quen lâu nay không ít người quen với cách sống “tự do chủ nghĩa”, sống “ngoài vòng pháp luật”, nên mỗi khi đụng tới pháp luật, ứng xử theo pháp luật, là lại thấy gò bó, bức xúc, khó chịu, và đi liền với thái độ đó là những hành vi, có thể là bột phát, có thể là cố tình, để lại hậu quả nhiều khi rất nghiêm trọng. Vì thế, trong trường hợp bị thu hồi đất như anh em ông Vươn, nếu có sự bình tâm suy xét cho thấu tình đạt ý, lấy cái nhu chế áp cái cương, thì hẳn không có hành vi vi phạm pháp luật như vậy. Dẫu là sự việc ban đầu do đâu gây ra, nhưng biết cách hành xử, biết chỗ đứng của mình là công dân có quyền và nghĩa vụ chấp hành luật pháp, mọi việc đúng sai có luật pháp giải quyết, có thái độ đúng mực trước sự việc, thì hẳn tránh được những điều đáng tiếc xảy ra.

Cuối cùng, dẫu là ai, chính quyền hay người dân, thì thượng tôn pháp luật vẫn phải luôn đặt lên hàng đầu trong mọi hành xử.

DIỆU THU