Anh Lâm thuê ruộng làm "cánh đồng mẫu lớn"
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:22, 22/04/2013
Trong khi nông dân nhiều nơi bỏ ruộng thì anh Cao Văn Lâm lại nhận thầu hàng chục mẫu ruộng để trồng lúa chất lượng cao...
Anh Cao Văn Lâm bên ruộng lúa 14 mẫu tại khu đồng Con Cá, thôn Vũ Xá
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê thuần nông, từ nhỏ anh Lâm thấu hiểu gian khổ của bà con trong hành trình làm ra hạt gạo. Cùng với đó, nhận thấy bà con không áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mà chủ yếu dùng nhân công nên chi phí cao mà việc thu lãi lại chẳng được bao nhiêu. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, mạng in-tơ-nét, anh nhận thấy việc gieo cấy trên cánh đồng mẫu lớn rất tiện áp dụng khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa máy cấy, máy gặt vào sản xuất vừa giảm chi phí lao động vừa tăng năng suất cây trồng. Nghĩ là làm, anh đã mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng để đầu tư toàn bộ hệ thống máy cày - lồng, máy gặt, máy cấy và xây xưởng gieo mạ phục vụ gieo cấy với tổng diện tích 700 m2... Anh áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, xử lý giống, gieo cấy, chăm bón và phòng trừ sâu bệnh... Tâm sự với chúng tôi, anh Lâm cho biết: "Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông nên rất hiểu việc đồng áng, cấy cày, hiểu được giá trị của đất. Tuy nhiên hiện nay đất đai rộng nhưng vì chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên hiệu quả canh tác chưa cao. Về quê thấy bà con mình bỏ hoang nhiều diện tích tôi thấy vô cùng lãng phí. Đi đâu cũng không bằng quê mình nên tôi muốn về quê gây dựng kinh tế ngay từ chính mảnh đất ông cha, từ chính cây lúa".
Mặc dù là vụ đầu tiên anh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào gieo cấy nhưng đã hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Bởi vì hiện nay, mặc dù trong toàn xã, tình trạng chuột cắn phá khá phổ biến nhưng trên các khu ruộng của anh hầu như không có. Ngay từ đầu vụ, anh đã thực hiện tổng vệ sinh khu ruộng, tiến hành đánh bắt đồng loạt... Cùng với đó, việc áp dụng máy cấy vào sản xuất cũng cho hiệu quả rõ rệt. Qua kiểm tra, hiện nay so với cấy bằng tay, nhánh lúa hữu hiệu của gia đình anh luôn cao hơn. Nếu như cấy tay, một khóm lúa cho từ 8 - 9 nhánh hữu hiệu thì của gia đình anh Lâm từ 17 - 18 nhánh/khóm. Việc áp dụng quy trình chăm bón hợp lý cũng làm cho sâu bệnh giảm đáng kể... Theo đánh giá của một số cán bộ kỹ thuật huyện Thanh Miện, chắc chắn mô hình của anh Lâm sẽ cho năng suất cao hơn các thửa ruộng lân cận và lợi nhuận cũng sẽ không hề nhỏ.
Thực tế hiện nay có một số hộ dân chán ruộng, không muốn cấy, nhất là diện tích ruộng công điền. Bởi vậy việc làm của anh Lâm rất đáng hoan nghênh. Từ mô hình này sẽ là tiền đề quan trọng để việc thực hiện tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cánh đồng mẫu lớn thành công, qua đó đóng góp tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.
PHẠM THỊ LOAN