Giá gạo tăng, nông dân vẫn không được hưởng lợi
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:42, 12/05/2013
Là mặt hàng chiến lược cho an ninh lương thực quốc gia, sản xuất lúa gạo được coi trọng đặc biệt. Tuy nhiên, dù sản xuất gạo trong những năm vừa qua đạt được nhiều thành tích ấn tượng nhưng lợi ích mà người nông dân thu được lại không đáng kể. Khi giá gạo lên cao, người trồng lúa được lợi rất ít. Ngược lại, khi giá gạo “rớt”, nông dân lại là người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (Bộ NN&PTNT), sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường chỉ được lợi 30% của lợi nhuận, 70% còn lại các trung gian và doanh nghiệp được hưởng. Đây là mức không hợp lý trong khi nông dân phải bỏ ra 60 - 70% tổng chi phí sản xuất lúa. Chưa kể đến những rủi ro lớn như thiên tai, dịch hại...
Người nông dân làm ra cây lúa nhưng lại luôn ở thế bị động, lúc nào cũng ở tâm trạng nơm nớp lo lúa thu hoạch về không bán được, lại ế đầy kho, nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Và giới chuyên gia ngành nông nghiệp "gút” lại rằng, tình trạng trên đã, đang và vẫn tiếp tục xảy ra đối với ngành lúa gạo, chủ yếu vẫn bởi phương thức tổ chức sản xuất lúa gạo ở nước ta chưa tốt, tồn tại quá nhiều trung gian trong chuỗi cung ứng sản phẩm; chất lượng lúa nguyên liệu, quá trình bảo quản chế biến chưa được kiểm soát chặt chẽ; vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và hợp tác với người nông dân còn mờ nhạt, thiếu ràng buộc bởi những quy định có tính pháp lý.
Nông dân là người dễ bị thiệt thòi trong chuỗi giá trị lợi nhuận từ lúa gạo
Nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn cho thấy, mặc dù Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia xuất khẩu gạo hiện nay, tỉ trọng xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn. Riêng hai tổng công ty Vinafood 1 và Vinafood 2 đã chiếm gần 50% lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu nhiều, nhưng các doanh nghiệp hầu như không chú trọng đầu tư nhiều cho nông dân trồng lúa, mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực khác như thủy sản, chăn nuôi, vật tư đầu vào... nhằm tăng lợi nhuận, giảm rủi ro nhưng không muốn tái đầu tư cho nông dân. Thu nhập của người nông dân bấp bênh, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Oxfam, thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 535k/người/tháng.
Các hộ sản xuất lúa không thể dựa vào cây lúa, mà phải dựa vào các thu nhập khác như chăn nuôi, thủy sản, hay các hoạt động phi nông nghiệp khác. Chỉ có các hộ quy mô lớn (từ 2ha trở lên) mới có thể sống dựa vào thu nhập từ lúa. Ngược lại, khi có biến động về giá gạo trên thị trường thế giới giảm, người nông dân lại bị thiệt hại nặng nề nhất.
Hiện nay, với hơn 7.600 tỷ đồng được giải ngân, đợt thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân đã kết thúc. Trong tình thế thị trường hiện nay, dù đã gần hết quý 2, tồn kho gạo đông xuân vẫn còn gần 2 triệu tấn. Sắp tới, hơn 3,5 triệu tấn gạo hè thu chuẩn bị thu hoạch, nhưng nhu cầu thị trường gần như đóng băng, giá giảm nghiêm trọng. Và dù chúng ta đã bán gạo với mức giá rẻ nhất thế giới, việc tiêu thụ hết lượng gạo còn tồn kho vụ đông xuân còn khó, chứ đừng nói đến hàng triệu tấn gạo hè thu có phẩm chất kém hơn sắp thu hoạch. Như vậy, “gánh nặng” sẽ lại tiếp tục đè nặng lên vai người nông dân.
Ngọc Yến (CAND)