"Ốc đảo" Tiền Giang
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:18, 13/05/2013
Điện yếu, nước thiếu, đi học bằng đò... nên nhiều hộ đã không "trụ" nổi. Những hộ còn lại cũng đang muốn trở về làng cũ để "làm lại từ đầu"...
Chiếc thuyền này là phương tiện duy nhất đưa người dân xóm Tiền Giang về với “đất liền”
Những căn nhà bỏ hoang
Mất gần nửa tiếng đợi đò, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên xóm Tiền Giang. Do đã hẹn trước nên chúng tôi được bác Nguyễn Thanh Tùng, 75 tuổi, trưởng xóm ra tận nơi đón. Trên đường về nhà bác trưởng xóm, chúng tôi thấy hai bên ven đường có không ít ngôi nhà bị bỏ hoang để cây cối và cỏ dại mọc um tùm. Bác Tùng giải thích: Trước kia, khi đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã cho đào sông Cửu An - một phân lưu của sông Hồng - chảy về phía đông. Khi đào sông qua địa phận xã Minh Đức đã chia cắt một vùng đất rộng 40 mẫu. Vùng đất ấy chính là xóm Tiền Giang, thôn Cự Lộc ngày nay. Sau này, không hiểu vì lý do gì mà sông Cửu An bị lấp ở phần cửa sông. Vào khoảng trước năm 1960, Nhà nước đã cho khơi thông và mở rộng lòng sông Cửu An để phục vụ sản xuất, góp phần tiêu úng cho vùng Hưng Yên, Hà Nội. Lúc đó, xã đưa hơn 10 hộ sang xóm Tiền Giang để ở và canh tác nông nghiệp. Năm tháng trôi qua, có thời điểm cả xóm đã phát triển lên đến gần 40 hộ. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do đất chật, người đông, lại gặp quá nhiều khó khăn, trở ngại nên không ít gia đình có điều kiện đã rủ nhau sang bên làng hoặc mua đất ở nơi khác sinh sống. Vì vậy mới có những căn nhà bị bỏ hoang như thế.
Khó trăm bề
Cả xóm Tiền Giang hiện chỉ còn lại 25 hộ với 160 nhân khẩu. Hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Người dân trong xóm chủ yếu làm nông nghiệp, một số khác làm thợ xây hoặc đi làm may trong các công ty. Đối với người dân xóm Tiền Giang bao đời nay, khó khăn lớn nhất của họ chính là việc đi lại. Mặc dù ở bên này sông nhưng ruộng canh tác của các gia đình trong xóm thì vẫn ở bên kia làng. Con thuyền máy hiện nay của xóm (do UBND xã trang bị) chính là phương tiện duy nhất giúp người dân ở đây sang bên làng cày cấy hoặc để đi xây, đi làm may... Vào mùa thu hoạch lúa, người dân tuốt lúa bên làng, chất bao tải thóc lên thuyền mang về phơi hong. Muốn có gạo ăn lại đưa những bao thóc lên thuyền sang bên làng xay xát. Nhà nào có người quen bên "đất liền" thì gửi thóc, nhờ xay xát hộ, chỉ tốn công sang mang gạo về. Cả xóm Tiền Giang hiện chỉ có một quán hàng nhỏ nhưng các mặt hàng sơ sài, không đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Để mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, người dân ở đây chỉ có cách duy nhất là lên thuyền sang bờ bên kia.
Người lớn đi lại đã khổ, trẻ em đi lại càng vất vả hơn. Hiện nay, học sinh ở xóm Tiền Giang vẫn phải học ở bên xã. Hằng ngày, từ các cháu mầm non đến học sinh THPT đều phải đi học bằng thuyền. Học sinh trong xóm đi học muộn hoặc phải nghỉ học là chuyện thường. Mùa mưa bão nước sông dâng cao, sóng dữ hoặc những khi bèo tây kéo về dày đặc mặt sông, thuyền nhỏ chòng chành không thể chở được. Những ngày đó, nhiều gia đình phải gửi con bên làng để các cháu không bị muộn hoặc phải nghỉ học. Chị Nguyễn Thị Thơ, một người dân trong xóm kể: "Tôi có hai con đang học ở Trường Mầm non xã. Mỗi ngày, tôi phải đi lại 4 lượt bằng thuyền để đưa đón chúng. Vất vả lắm chú ạ!". Chị Thơ cho biết thêm, ở bên này không có dịch vụ y tế, người già, trẻ nhỏ khi bị bệnh đều phải đưa sang bên làng hoặc đi tuyến trên chữa trị. Người dân trong xóm muốn ra ngoài hoặc tham gia các hoạt động xã hội do địa phương tổ chức vào buổi tối rất khó, vì thuyền chỉ hoạt động đến 19 giờ hằng ngày.
Có lẽ "dở khóc, dở cười" nhất là khi một nhà ai đó bên xóm Tiền Giang có lễ cưới, đám ma. Bác Tùng trưởng xóm cho biết: "Nếu trong xóm có người chết thì gia đình tổ chức tang lễ bên này, rồi sau đó phải di quan về bên nghĩa địa của thôn an táng. Năm xưa vợ tôi mất. Khi di quan bà ấy lên thuyền để về bên kia an táng, đến giữa dòng do quá tải, sợ thuyền bị chìm nên mấy đứa cháu nhà tôi phải nhảy vội xuống sông". Một người trong xóm tiếp lời: "Hôm con gái nhà tôi lấy chồng, đoàn nhà trai đi đến đầu bờ bên làng thì phải dừng lại. Do thuyền nhỏ nên họ chỉ cử vài người đại diện gia đình và chú rể sang đây đón dâu, vì thế mà đám cưới cũng kém vui".
Thực tế ở bên xóm Tiền Giang vẫn có 20 mẫu đất ruộng. Tuy nhiên, người dân trong xóm cũng không "mặn mà" lắm với việc cấy hái. Nhiều ruộng bị bỏ cho cỏ dại mọc. Nguyên nhân là do đất đai bên này chai lỳ, bạc màu. Hơn nữa, việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào con nước tự chảy. Những ngày sông cạn, mương máng hết nước, người dân trong xóm phải tổ chức thuê máy bơm đưa nước từ sông vào đồng ruộng. Đó là còn chưa nói tới phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều phải qua sông thì mới mua được. Xóm Tiền Giang nằm ở cuối nguồn điện nên vào giờ cao điểm, các thiết bị sử dụng điện gần như không hoạt động do điện quá yếu.
Nhiều gia đình đã rời bỏ xóm đi tìm nơi ở mới, để lại những căn nhà bỏ hoang
Muốn về làng
Bác Tùng, Trưởng xóm Tiền Giang bộc bạch: "Những gia đình còn ở lại bên xóm này chẳng qua vì điều kiện kinh tế khó khăn, không thể sang bên làng hoặc đi nơi khác sinh sống. Dân xóm tôi hiểu rằng, xây dựng một cây cầu ở đây là điều không thể. Vì thế, các gia đình trong xóm mong muốn và kiến nghị với Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho một khu đất mới bên làng để các gia đình về đó sinh sống cho cuộc sống bớt khó khăn, trẻ nhỏ được học hành đầy đủ..."
Ông Nguyễn Hữu Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết, những khó khăn của bà con xóm Tiền Giang cũng là trăn trở bấy lâu của chính quyền địa phương. Theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, xã Minh Đức có kế hoạch di chuyển các hộ dân bên xóm Tiền Giang về bên này. 40 mẫu đất của xóm sẽ cho đấu thầu để trồng trọt, chăn nuôi. Xã dự kiến sử dụng diện tích khu đất ruộng (cạnh đường trục xã) của thôn Cự Lộc tiếp giáp với thôn Sự để quy hoạch nơi ở mới cho các hộ dân xóm Tiền Giang. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp nhiều khó khăn, vì xã không có tiền giải phóng mặt bằng và trả tiền đền bù cho các hộ dân. Một trăn trở nữa là vì các hộ dân xóm Tiền Giang hầu hết đều thuộc diện khó khăn. Khi về khu đất ở mới chắc chắn các gia đình sẽ phải "làm lại từ đầu".
Những khó khăn, trăn trở của bà con xóm Tiền Giang cũng như chính quyền xã Minh Đức sẽ chỉ được giải quyết nếu có sự quan tâm, giúp đỡ, đầu tư của Nhà nước.
TIẾN MẠNH