Nhật Bản dẫn đầu khối FDI tại Hải Dương
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 23/05/2013
Xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Thủ đô Tô-ki-ô (Nhật Bản)
Hải Dương là một trong những tỉnh thành công trong việc đón làn sóng đầu tư đến từ Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn thể hiện được thế mạnh vượt trội về công nghệ và sự ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mời gọi đầu tư
Đồng chí Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức; tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao để giới thiệu, kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Từ 2005 đến nay, Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh gồm các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành hữu quan, các nhà đầu tư của tỉnh đã tổ chức 2 đợt xúc tiến đầu tư lớn (năm 2005 và 2012), được các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật hết sức chú ý. Được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các Tham tán kinh tế của Đại sứ quán trên nước bạn, các nhà giới thiệu đầu tư vào Hải Dương là người Nhật Bản, hình ảnh của Hải Dương được giới thiệu sâu đậm hơn tại xứ Phù Tang. Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc xúc tiến đầu tư với quy mô vừa và nhỏ khác. Tại mỗi hội nghị xúc tiến đầu tư ở Tô-ki-ô hay Ô-xa-ka, đều có hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp tới dự. Việc các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh tham dự, trực tiếp trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp nước bạn làm các doanh nghiệp thêm tin tưởng và có chiến lược đầu tư vào Hải Dương.
Thời gian qua, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) xúc tiến đầu tư thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân Nhật. Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang, xây dựng các KCN Nam Sách, Phúc Điền, Tân Trường đã có cách xúc tiến đầu tư đặc biệt với doanh nghiệp Nhật Bản. Doanh nghiệp này mời chính người Nhật Bản, hiểu biết về những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, bến cảng, nhân lực, chính sách thu hút đầu tư… của Hải Dương để giới thiệu cho doanh nghiệp Nhật. Đây là một hình thức xúc tiến đầu tư được nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng KCN đánh giá cao.
Các doanh nghiệp Nhật Bản thường thuê nhà xưởng có quy mô, diện tích nhỏ với hạ tầng đồng bộ trong các KCN tại Việt Nam. Nắm bắt được nhu cầu đó, Công ty CP Đại An đã chủ động đàm phán và hợp đồng, hợp tác với Tập đoàn Forval Nhật Bản, dành riêng 30 ha trong KCN Đại An mở rộng để cùng Forval triển khai xây dựng mô hình nhà xưởng có diện tích linh hoạt từ 288 - 1.152 m2 kèm theo hạ tầng kỹ thuật, xưởng, kho, công trình phụ trợ... Dự án có tổng mức đầu tư 66 triệu USD. Văn phòng đại diện Forval tại Việt Nam sẽ giới thiệu, hỗ trợ thủ tục, quản lý, sắp xếp các doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư tại KCN Đại An. Cách làm này đang hấp dẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ như: cơ khí chính xác, linh kiện ô-tô, điện tử, khuôn mẫu chính xác... để kết nối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hình thành chuỗi dịch vụ trong khu vực và toàn cầu.
Phát triển bền vững
Dây chuyền lắp ráp máy fax của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam
(khu công nghiệp Tân Trường, Cẩm Giàng. Ảnh: Thành Long
Trong số 51 dự án của Nhật Bản, có tới 49 dự án nằm trong các KCN, đầu tư vào các ngành nghề: sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, linh kiện cơ khí, thiết bị viễn thông, khuôn đúc, dây cáp điện ô-tô… Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn như Công ty TNHH Điện tử UMC Việt Nam, ở KCN Tân Trường, vốn đầu tư 100 triệu USD, chuyên sản xuất, chế tạo, lắp ráp các máy móc, thiết bị linh kiện điện tử; Công ty TNHH AIDEN Việt Nam (KCN Nam Sách), vốn đầu tư 120 triệu USD, chuyên sản xuất, chế tạo và lắp ráp các bộ phận, chi tiết linh kiện sản phẩm điện và điện tử, tinh thể lỏng; Công ty TNHH ISIRO Việt Nam (KCN Tân Trường), chuyên sản xuất, chế tạo, lắp ráp các loại máy móc điện tử, cơ khí chính xác; Công ty TNHH UNIDEN (KCN Tân Trường), vốn đăng ký đầu tư 81 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, các thiết bị viễn thông, điện tử dân dụng; Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (KCN Đại An), sản xuất các sản phẩm mạng dây điện, điện tử trong công nghiệp sản xuất ô-tô; Công ty TNHH Công nghiệp Brother, (KCN Phúc Điền), vốn đăng ký đầu tư 50 triệu USD, chuyên sản xuất máy in, máy fax… Hầu hết các lĩnh vực này thuộc chủ trương của tỉnh khuyến khích đầu tư.
Mới đây nhất, trong khó khăn của suy thoái kinh tế toàn cầu, tháng 4-2013, Công ty TNHH Máy Brother Việt Nam quyết định đầu tư 38 triệu USD vào KCN Tân Trường, chuyên sản xuất máy may công nghiệp và phụ kiện máy may. Đây là điều khẳng định, các doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm năng về tài chính, luôn hướng đến đầu tư tại Việt Nam và đầu tư tại Hải Dương. Những năm gần đây, các doanh nghiệp của Nhật Bản giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,3 đến 1,5 tỷ USD, bằng gần 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu trong các KCN. Đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Ban Quản lý KCN tỉnh cho biết, cùng với duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, các doanh nghiệp Nhật đều cam kết bảo đảm tiêu chuẩn ISO 14.000 về môi trường. Các doanh nghiệp Nhật Bản đều trả lương cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài khác sản xuất cùng loại sản phẩm. Người lao động được làm việc trong hệ thống điều hòa trung tâm để bảo đảm sức khỏe lâu dài. Các chế độ ăn ca, tiền thưởng năng suất lao động khá cao. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị, xã hội hoạt động.
TRẦN TUẤN