Độc đáo cây xanh đường phố

Kinh tế - Ngày đăng : 08:03, 28/05/2013

Bằng bàn tay khéo léo, những công nhân cắt tỉa cây xanh đã làm nên những cây xanh nghệ thuật có hình dạng sinh động, tô đẹp thêm cho thành phố...



Công nhân cắt tỉa cây xanh hình trái tim


Ý tưởng sáng tạo

Dẫn chúng tôi đi tham quan một số tuyến đường do Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương quản lý, chị Phạm Thị Liêm, cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp Cây xanh hào hứng giới thiệu về những ý tưởng sáng tạo hình khối cho cây. Chị chia sẻ: “Nếu để cây phát triển tự nhiên, tán lá chỗ cao, chỗ thấp hoặc chỗ dày, chỗ thưa thì không gian cây xanh nhìn rất thô sơ và không đẹp. Cây xanh không chỉ góp phần cải thiện môi trường mà còn là cảnh quan và điểm nhấn của đô thị. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất và xây dựng phương án chỉnh trang, tạo hình khối cho cây”. Năm 2008, công ty đưa một loạt cây về trồng ở thành phố như: cây sanh, cây si, râm bụt, tùng, bách… Từ những cây đơn thuần, các công nhân đã cắt cành, tỉa lá, uốn và ép để tạo hình. Dựa theo những hình dáng cây cảnh đẹp tham khảo trên in-tơ-nét, họ đã sáng tạo thêm cho phù hợp với cảnh quan đô thị Hải Dương. Đến năm 2011, việc chỉnh trang cây xanh ở thành phố cơ bản được hoàn thiện với nhiều hình khối đa dạng, bắt mắt.

TP Hải Dương hiện có gần 10 nghìn cây các loại. Trong đó có trên 1.000 cây được cắt tỉa, tạo hình. Tổng kinh phí mua các loại cây này khoảng 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một phần của công ty. Cây trồng ở mỗi tuyến đường, dải phân cách đều có những đặc trưng riêng. Tại Công viên Bạch Đằng, nhiều cây có hình dạng độc đáo như: xoắn ốc, trái tim, hình tháp, tròn, vuông… Dải phân cách trên đại lộ Trần Hưng Đạo được tô điểm bằng 3 loại cây với các kiểu dáng, tầng lớp khác nhau. Ở giữa là cây bách hình chóp hướng lên bầu trời xen kẽ với khóm cây xanh hình vuông cao khoảng 20 cm. Tiếp đến là dải cây xanh chạy thẳng tắp. Lớp cây ngoài cùng uốn lượn mềm mại theo hình gợn sóng. Những cây xanh với tán lá hình tròn, tháp, vuông nối đuôi nhau trải dài trên đường Lê Thanh Nghị và Trường Chinh. Tán lá của cây râm bụt thay vì xòe ra, nay đã được cắt tỉa thành 2 tầng: phần gốc hình chậu, phần trên dành cho những đóa hoa khoe sắc. Độc đáo nhất có lẽ là cổng chào ở vòng xuyến ngã tư cầu Cất. Cổng cao 5 m, dài 10 m, được tạo thành từ sự đan xen của 4 cây sanh. Cành và tán lá được cố định bằng thanh tre, dây thép để uốn và ép thành khung hình. Những con đường, dải phân cách trở thành một bức tranh thiên nhiên sinh động. Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở khu 10 phường Tân Bình cho biết: “Các hình khối của cây thật sinh động, giúp con đường đẹp và sinh động hơn”. Chị Hường, một công nhân của công ty đã có 3 năm kinh nghiệm cắt tỉa và tạo hình khối cho cây, chia sẻ: “Công việc này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà cần có sự khéo léo, trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Dựa vào hình dáng, số cành và kích thước ban đầu của cây để tạo hình cho phù hợp. Nếu cây có 3 cành lớn, có thể tạo hình trái tim. Những cành còn thừa ở dưới gốc cũng có thể cắt tỉa để tô điểm thêm vẻ đẹp của cây”.

Kỳ công chăm sóc

Để làm nên những cung đường cây xanh nghệ thuật của đường phố, không chỉ có ý tưởng sáng tạo mà còn cần đến những bàn tay chăm sóc và giữ gìn. Xí nghiệp Cây xanh hiện có khoảng 100 công nhân làm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ những lá phổi xanh của thành phố. Họ đều được đào tạo về kỹ thuật cắt tỉa và cũng như có sự khéo léo, sáng tạo cần thiết theo yêu cầu của công việc. Kinh phí chăm sóc, đầu tư các vật dụng… phục vụ việc cắt tỉa, tạo hình cho cây khoảng 40-50 triệu đồng. Những ngày nắng nóng vừa qua, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới trên 40 độ C nhưng họ vẫn miệt mài cắt tỉa, chăm sóc cây. Đó là công việc định kỳ hằng tháng để bảo đảm cây mọc theo đúng hình khối đã tạo. Có những cây xanh cao tới 4 m, đường kính rộng 3 m nên khi cắt tỉa phải bắc thang và cần 3-4 người cùng phối hợp. Theo sự chia sẻ của các công nhân thì khéo léo và sáng tạo thôi chưa đủ, bởi người cắt tỉa phải rất tỉ mỉ, kỳ công. Nếu chỉ làm qua loa, hình khối của cây có thể bị lệch so với thiết kế ban đầu, tán lá không đều. Vì vậy, người cắt tỉa phải thực sự say mê với công việc.

Trong tất cả các hình khối đã tạo cho cây, tốn nhiều công sức và thời gian nhất là cổng chào ở ngã tư cầu Cất. Thân cây sanh cứng nên việc uốn và tạo hình rất khó khăn. Các công nhân phải thường xuyên theo dõi để cắt tỉa, chỉnh sửa những cành và tán lá mọc mới. Chị Phạm Thị Liêm chia sẻ: “Ban đầu, do kinh nghiệm còn hạn chế nên có nhiều cây chưa đẹp, thậm chí phải chỉnh sửa nhiều lần. Cây xanh nghệ thuật có chế độ chăm sóc đặc biệt, vì chủ yếu lấy tán lá để tạo hình nên các loại phân bón tập trung vào lá. Mỗi tháng, công nhân không chỉ tổ chức cắt tỉa mà còn kiểm tra tình hình phát triển của cây. Nếu phát hiện sâu, bệnh thì phải tổ chức phun thuốc tổng thể để tránh lây lan và không làm ảnh hưởng tới các cây khác”.

Thời gian tới, Xí nghiệp Cây xanh tiếp tục mở rộng các tuyến đường phố trồng cây nghệ thuật. Cây xanh ở các tuyến đường sẽ thể hiện những ý tưởng, hình khối đặc trưng khác nhau, góp phần làm đẹp thành phố.

LÊ XUYỀN