Dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 11:06, 02/06/2013
Qua hơn 1 năm, đã có nhiều người được thụ hưởng chính sách mới, tuy nhiên, công tác tuyển sinh, dạy nghề vẫn gặp không ít khó khăn...
Học viên là bộ đội xuất ngũ đang thực hành nghề sửa chữa ô-tô
Nhiều ưu đãi
Có mặt tại lớp học nghề hàn dành cho bộ đội xuất ngũ tại Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên (GTVLTN) tỉnh (Tỉnh đoàn) vào một ngày cuối tháng 5, chúng tôi thấy không khí học tập khá sôi nổi. Các học viên được thầy giáo hướng dẫn kỹ thuật hàn các mối và được thực hành trực tiếp ngay trên lớp. Anh Nguyễn Văn Đậm ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) cho biết: “Tháng 1-2013, tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương. Trong lúc đang chưa biết sẽ làm gì, tôi được Ban CHQS huyện hướng dẫn lên trung tâm để được tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm”. Các học viên là bộ đội xuất ngũ khi học nghề tại trung tâm đều được hỗ trợ chỗ ở, được trợ cấp kinh phí tùy theo ngành học và thời gian học. Anh Trần Văn Ánh ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc), học viên lớp hàn chia sẻ: “Ngay từ khi chuẩn bị xuất ngũ, tôi đã được đơn vị hướng dẫn về học nghề tại trung tâm để được hưởng chế độ ưu đãi. Tôi tin mình có thể làm nghề sau 3 tháng theo học tại trung tâm”.
Năm 2012, đã có 160 học viên là bộ đội xuất ngũ theo học tại trung tâm. Hiện tại, có 90% số học viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm phù hợp với mức lương ổn định. Trong đó, nhiều học viên có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Đài Loan và các nước Trung Đông cũng được hỗ trợ chỗ ăn, ở và đang tiếp tục học tiếng. Khi ra trường, trung tâm sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho học viên có nhu cầu. Trong đợt ra quân đầu năm 2013, trung tâm tích cực phối hợp với Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới bộ đội xuất ngũ tại địa phương. Trung tâm đang đào tạo 6 nhóm nghề: hàn công nghệ cao; sửa chữa ô-tô; sửa chữa điện dân dụng; điện tử; điện lạnh; lái xe, máy xúc, máy ủi. Hiện tại, trung tâm đang có 366 học viên đều là bộ đội xuất ngũ theo học các ngành nghề, đây là số quân nhân vừa xuất ngũ đầu năm 2013. Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với một số đơn vị, doanh nghiệp nhỏ tạo điều kiện cho học viên làm thêm bán thời gian, vừa có thêm thu nhập vừa được thực hành nghề.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Đạt, Trợ lý công tác thanh niên Bộ CHQS tỉnh, tính ưu việt của chương trình này là nâng cao được trách nhiệm của Bộ CHQS tỉnh và Tỉnh đoàn trong giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Trung tâm GTVLTN tỉnh là đơn vị duy nhất được Bộ CHQS tỉnh ký hợp đồng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ trên địa bàn tỉnh. Nếu như trước đây, khi xuất ngũ các quân nhân tự tìm trường học nghề, sau khi học xong phải tự tìm việc làm thì nay được tư vấn học nghề, hỗ trợ kinh phí học tập, chỗ ăn nghỉ và được giới thiệu việc làm.
Vẫn còn khó khăn
Theo chị Nguyễn Thị Xiêm, Giám đốc Trung tâm GTVLTN tỉnh, khi thực hiện chương trình này, trung tâm nhận được sự phối hợp rất tích cực của Bộ CHQS tỉnh. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, nên số lượng bộ đội xuất ngũ tham gia chương trình này còn quá thấp. Năm 2012, tỉnh ta đón khoảng 2.500 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, cơ sở vật chất tại trung tâm có thể đáp ứng nhu cầu gần 1.000 học viên, nhưng chỉ có 160 học viên theo học nghề. Trong năm 2013, số lượng học viên theo học đã tăng lên nhưng vẫn còn nhiều bộ đội xuất ngũ chưa biết tới chính sách này. Cũng theo chị Xiêm, đã có hiện tượng khi chuẩn bị xuất ngũ, các quân nhân nhận được nhiều lời “đề nghị” bán thẻ học nghề với giá chỉ 1 triệu đồng. Nhiều người không biết chế độ mình được thụ hưởng lớn hơn nhiều, nhưng vì cần tiền đã bán. Chính vì vậy, khi về địa phương họ có nhu cầu đi học nghề nhưng không còn thẻ học nghề, đành phải tự bỏ số tiền lớn ra để học nghề và không được hưởng các chế độ ưu đãi. Theo quy định, mỗi quân nhân khi xuất ngũ đều nhận được thẻ học nghề có giá trị, nhưng nhiều người suy nghĩ đơn giản, không sử dụng thẻ học nghề gây sự lãng phí rất lớn.
Để tăng số lượng học viên theo học tại trung tâm trong thời gian tới, Trung tâm GTVLTN tỉnh cần tổ chức các buổi gặp mặt bộ đội xuất ngũ. Đồng thời, tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những người có nhu cầu. Tỉnh đoàn phối hợp với Bộ CHQS tỉnh đề nghị nâng cấp chương trình phối hợp thành đề án dạy nghề và giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ. Tỉnh đoàn cần tích cực phối hợp với Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền về tận xã, phường, thị trấn, tới gia đình các quân nhân về chương trình dạy nghề và giới thiệu việc làm. Ngay trong buổi giao quân, cũng cần tuyên truyền về chế độ, chính sách sau khi xuất ngũ, giá trị của thẻ học nghề. Bên cạnh đó, Trung tâm GTVLTN tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường phối hợp với các trung tâm, trường dạy nghề liên kết đào tạo, phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị để giới thiệu việc làm, tạo điều kiện tuyển dụng bộ đội xuất ngũ.
Theo quy định, bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng được học nghề theo cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở dạy nghề và được vay tiền để học nghề theo chính sách về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Nếu học nghề ở trình độ sơ cấp thì bộ đội xuất ngũ được cấp thẻ học nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu tại thời điểm học nghề và có giá trị trong 1 năm kể từ ngày cấp thẻ. Về thủ tục cấp thẻ, khi quân nhân hoàn thành chế độ phục vụ tại ngũ có nhu cầu đăng ký học nghề ở trình độ sơ cấp tại đơn vị sẽ được cấp 1 thẻ học nghề do Bộ Quốc phòng phát hành. |
TÂM PHÚC