Điều chưa biết về đại gia mua lại tháp Vincom
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 14:33, 04/06/2013
Là cái tên khá mới trên thị trường bất động sản, việc công ty này lo liệu được 470 triệu USD để mua Vincom Center A quả là điều đáng nể.
Giao dịch được thực hiện thông qua chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty Tương Lai, đơn vị nắm quyền sở hữu Vincom Center A.Vậy VIPD là ai?
Khởi đầu khiêm tốn VIPD Group tiền thân là CTCP Bất động sản Phú Vinh, thành lập vào đầu năm 2008 với mục đích triển khai dự án Khu căn hộ Bình Thới (tọa lạc tại 220 Bình Thới, phường 14, Quận 11, TP.HCM).
Tổng vốn đầu tư của dự án khu căn hộ Bình Thới chỉ là 75,6 triệu USD (tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng theo tỷ giá thời điểm đó). Vào cuối năm 2008, Phú Vinh do Công ty CP An Phú sở hữu tới 90% vốn góp. Nhưng đến năm 2010, khi thị trường bất động sản đóng băng, Phú Vinh buộc phải ngừng triển khai dự án khu căn hộ Bình Thới. Tháng 4-2011, An Phú bán toàn bộ cổ phần tại Phú Vinh cho nhà đầu tư khác trong nước. Không có thông tin chính thức nào về các chủ nhân mới của Phú Vinh kể từ thời điểm đó.
Cái tên công ty này chỉ xuất hiện một lần trên BCTC năm 2011 của CTCP Chứng khoán Tân Việt trong phần chú thích về hợp đồng bán lại chứng khoán. Theo đó 35 triệu cổ phần tại Phú Vinh được repo để đổi lấy 350 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn sở hữu 11% cổ phần CK Tân Việt.
Đối tác hợp tác đầu tư của VIPD Group có một số cái tên có liên hệ với nhóm cổ đông lớn tại SCB như CTCP Phát triển BĐS Sunny World, công ty có liên hệ với nhóm Vạn Thịnh Phát – Sài Gòn Pennisula – Đầu tư An Đông (cổ đông nắm quyền chi phối tại cả Saigon Bank, Tin Nghia Bank và First Bank trước hợp nhất), hay Công ty TNHH Đầu tư Minh Hòa Phú, công ty từng do cựu thành viên HĐQT SCB Trần Thuận Hòa làm Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc.
Lớn nhanh như Phù Đổng
Hai năm sau ngày Phú Vinh được mua lại, công ty này tái xuất với tên gọi mới (VIPD Group) và vốn điều lệ tăng 15 lần từ 400 tỷ lên 6.000 tỷ đồng. Trong danh sách các công ty thành viên và công ty liên kết của VIPD Group, đầu tiên phải kể đến CTCP Sài Gòn Kim Cương, chủ đầu tư của dự án cao ốc SJC Tower cao 52 tầng, nằm trong khu vực tiếp giáp giữa 4 con đường Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực.
Năm 2010, Kinh Đô đã bán lại 50% vốn góp tại dự án này với lợi nhuận khoảng 425 tỷ đồng, người mua chỉ được nêu là “một doanh nghiệp trong nước”. Khi hoàn thành, SJC Tower sẽ là “một trung tâm trưng bày, kinh doanh vàng bạc – đá quý và thương mại lớn nhất TP.HCM”.
Ngày 8-3 vừa qua, một công ty liên kết nữa của VIPD Group là CTCP Đầu tư Hermes Power vừa thông báo tăng vốn điều lệ lên 6.800 tỷ đồng. Sau khi mua lại Vincom Center A với giá hơn 9.800 tỷ đồng, đây sẽ là bất động sản có giá trị cao nhất do VIPD Group sở hữu và quản lý.
Theo website VIPD, đến nay công ty đã hoàn thành một dự án là Golden Plaza nằm tại đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP. HCM (không phải dự án Golden Saigon Plaza trên đường Hàm Nghi ở trung tâm thành phố). Trong các dự án VIPD đang triển khai, lớn nhất là Royal Garden Residences nằm ở Quận 7, do Công ty TNHH Tân Thuận Nam trực tiếp làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án này chỉ là 3.800 tỷ đồng.
Tân Thuận Nam mới thay đổi cơ cấu góp vốn, thành viên góp vốn hồi tháng 11 năm ngoái. Người đại diện theo pháp luật của công ty nay là ông Châu San Phàm, PGĐ VIPD Group. Ông Phàm còn là người đại diện pháp luật của CTCP Phát triển hạ tầng và BĐS Sài Gòn và CTCP Hiệp Gia Phú, hai đối tác đầu tư của VIPD Group.
Ngoài ông Phàm, ban lãnh đạo của VIPD Group còn có hai ông Nguyễn Công Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, và ông Nguyễn Văn Hòa, TV. HĐQT độc lập. Bên cạnh các dự án kể trên, VIPD còn đang triển khai hai dự án resort là Heritage Villa & Resort tại Phan Thiết do Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hải Phú làm chủ đầu tư và dự án Ninh Vân Paradise tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Là cái tên khá mới trên thị trường bất động sản, việc công ty này lo liệu được 470 triệu USD để mua Vincom Center A quả là điều đáng nể.
(Nguồn: VnMedia)